10:42 20/07/2023

Cuộc chơi của ngành thời trang thay đổi ra sao sau Chỉ số Minh bạch 2023?

Băng Hảo

Ngành công nghiệp thời trang đã đạt doanh số vượt hơn 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Để phù hợp với những mối quan tâm mới của thị trường, chẳng hạn như tính bền vững và tốc độ sản xuất, tính minh bạch là chìa khóa cho các công ty muốn ghi dấu ấn…

Ảnh: Drapers
Ảnh: Drapers

Theo Fashion United, tính minh bạch trong thời trang là việc chia sẻ công khai thông tin một sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, địa điểm sản xuất hay người làm ra chúng. Hay hiểu cách khác chính là công bố tất cả thông tin về mọi yếu tố tạo nên một sản phẩm, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, từ khi thu hoạch bông trên những cánh đồng đến khi trang phục lên kệ bày bán tại cửa hàng.

Không chỉ mua vì mẫu mã hay tính thẩm mỹ, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề như sự công bằng đối với người lao động, nguồn nguyên liệu bền vững và môi trường. Theo báo cáo của McKinsey, người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ các thương hiệu hoạt động có trách nhiệm, với 66% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm bền vững. Khoảng 42% thế hệ Gen Y muốn tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm như thành phần, cách chúng được tạo ra trước khi mua… Con số này ở Gen Z là 37%.

Những năm gần đây, các tổ chức phi chính phủ đã quyết định có động thái lên tiếng và kêu gọi những biện pháp thiết thực để yêu cầu các doanh nghiệp thời trang và thương hiệu đưa ra bản báo cáo cụ thể về các hoạt động và chuỗi cung ứng. Đây là cuộc kiểm tra nhằm đánh giá sự minh bạch trong ngành công nghiệp thời trang, nhưng câu hỏi đặt ra chính là: Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp dám cởi mở và thành thật về những hoạt động lao động và quy trình giám sát mà họ đang vận hành?

Người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ các thương hiệu hoạt động có trách nhiệm, với 66% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm bền vững.
Người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ các thương hiệu hoạt động có trách nhiệm, với 66% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm bền vững.

Đây cũng là nỗi băn khoăn của những nhà hoạt động đứng sau tổ chức phi lợi nhuận Fashion Revolution nhằm đấu tranh cho nền thời trang minh bạch và tân tiến. Để khuyến khích tính minh bạch, hàng năm họ sẽ đối chiếu Chỉ số Minh bạch (Transparency Index) – công cụ tính toán số lượng thông tin mà các thương hiệu báo cáo và sau đó tổng hợp lại thành một hệ thống xếp hạng. 

Sarah Ditty, người đứng đầu Fashion Revolution giải thích rằng các nghiên cứu như thế này đã thúc đẩy các thương hiệu cởi mở và dám thẳng thắn đưa ra nhiều thông tin giá trị hơn. Đồng thời, dưới sức ép từ phía người tiêu dùng, trong thế giới bùng nổ của truyền thông xã hội thì việc phơi bày sự thật về các thương hiệu không phải là điều khó khăn. Vì vậy, các thương hiệu phải thận trọng, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty phấn đấu để duy trì danh tiếng trong thị trường bán lẻ khốc liệt.

Trong lần tái bản thứ tám của báo cáo Chỉ số Minh bạch thời trang, các chuyên gia đã kiểm tra các thương hiệu có doanh thu trên 400 triệu USD theo 258 chỉ số rất cụ thể. Theo WWD, báo cáo cho thấy một số kết quả đầy hứa hẹn, bao gồm hai thương hiệu thời trang lần đầu tiên vượt qua phân vị thứ 80 của chỉ số kể từ khi thành lập. Hai thương hiệu Gucci (80%) và OVS (83%) dẫn đầu với số điểm cao nhất. Theo sát phía sau là Kmart Australia và Target Australia với 76%.

Gucci là thương hiệu có mức tăng điểm lớn nhất so với năm ngoái (tăng 21%). Theo báo cáo, các nhà mốt tăng trưởng về điểm số minh bạch nhanh nhất gồm có Gucci, Armani, Jil Sander, Miu Miu và Prada.

Gucci trở thành một trong hai thương hiệu thời trang lần đầu tiên vượt qua phân vị thứ 80 của chỉ số kể từ khi thành lập.
Gucci trở thành một trong hai thương hiệu thời trang lần đầu tiên vượt qua phân vị thứ 80 của chỉ số kể từ khi thành lập.

Trong báo cáo Chỉ số Minh bạch thời trang, điểm 100% có nghĩa là tất cả thông tin chi tiết về mọi nhà cung cấp trong chuỗi, chính sách, thủ tục và hiệu suất của họ đều được tiết lộ. Số điểm càng cao, khả năng thay đổi tích cực đối với môi trường và nhân quyền bằng cách mang lại trách nhiệm giải trình cho các thương hiệu càng lớn. Điểm phần trăm thấp có nghĩa là nhiều thông tin bị che giấu hơn và khả năng thực hành kém sau những cánh cửa đóng kín của doanh nghiệp là cao hơn.

Báo cáo năm nay cũng chỉ ra rằng một số thương hiệu tên tuổi lớn không thể đáp ứng các mục tiêu bền vững của ngành vì họ chia sẻ rất ít hoặc không chia sẻ gì với Chỉ số. Cụ thể, 18 thương hiệu sau đây được xếp hạng 0% trên báo cáo: Anta, Belle, Big Bazaar, Bosideng, Fashion Nova, K-Way, Koov, Max Mara, Metersbonwe, Mexx, New Yorker, Heilan Home, Savage X Fenty, Semir, Splash, Tom Ford, Van Heusen và Youngor.

Hơn nữa, 71 trong số 250 thương hiệu (28%) đạt được số điểm từ 0% đến 10%, đánh dấu một sự cải thiện nhỏ so với 31% của năm ngoái. Bà Liv Simpliciano, Giám đốc nghiên cứu và chính sách của Fashion Revolution cho biết: “Chúng ta không thể mua sắm để thoát khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta không thể tái chế để thoát khỏi tình trạng sản xuất thừa và thẳng thắn mà nói, không thể có thời trang trên một hành tinh chết.”

Một con số đáng kinh ngạc là 94% thương hiệu không tiết lộ loại nhiên liệu nào được sử dụng để sản xuất hàng may mặc và 99% giữ kín số lượng công nhân trong chuỗi cung ứng của họ được trả mức lương đủ sống. Về khía cạnh môi trường, chỉ 23% thương hiệu được chọn chia sẻ quy trình xác định rủi ro hóa chất độc hại và chỉ 7% tiết lộ kết quả xét nghiệm nước thải. Ngoài ra, chỉ có 12% thương hiệu chia sẻ tỷ lệ sản xuất hàng năm của họ.

Trên một lưu ý tích cực hơn, 52% thương hiệu đã chia sẻ thông tin về nhà cung cấp cấp một của họ, đánh dấu mức tăng đáng kể so với 32% trong báo cáo năm 2017 của Chỉ số. Nhìn chung, Chỉ số Minh bạch thời trang đã đạt được tỷ lệ tham gia là 61%, mà bà Simpliciano tuyên bố là một “bước tiến đáng kể”.

Chỉ số Minh bạch thời trang góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới một môi trường làm việc an toàn, tích cực.
Chỉ số Minh bạch thời trang góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới một môi trường làm việc an toàn, tích cực.

Bên cạnh các thương hiệu xa xỉ Gucci, Armani, Jil Sander, Miu Miu và Prada, Puma mới đây cũng đang cho thấy nỗ lực theo đuổi mục tiêu bền vững xuyên suốt chuỗi cung ứng chuỗi cung ứng của mình. Theo đó, hãng sẽ thu mua lại tất cả các loại da để sản xuất từ các chuỗi cung ứng không gây ra sự thiệt hại đến rừng cụ thể là nạn phá rừng. Dự kiến quá trình này sẽ được hoàn thiện trước năm 2030 và thậm chí có thể sớm hơn.

Trụ sở chính của Puma ở Đức và tại đây hãng đã tham gia vào chiến dịch “Deforestation-Free Call to Action for Leather” được khởi xướng bởi các tổ chức phi lợi nhuận Textile Exchange và Leather Working Group. Chiến dịch này yêu cầu các thương hiệu tham gia phải tăng cường tính minh bạch của chuỗi cung ứng nhằm xác định nguồn gốc nguyên liệu. Ngoài Puma, các thương hiệu khác đã tham gia chiến dịch này bao gồm Adidas và các công ty thời trang như Tapestry, Capri Holdings và Kering.

Có thể nói, ngành thời trang hiện nay dường như đang đi theo lối mòn và không thể tìm ra biện pháp trong các cuộc tranh luận phức tạp về phạm vi nhân quyền cũng như các quy định để bảo vệ người lao động. Vậy nên, cần thiết phải có một cuộc cách mạng được tiến hành nhằm thay đổi bộ mặt của nền công nghiệp hiện hành, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới môi trường làm việc an toàn, tích cực, góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển của cả xã hội.

Các thương hiệu đa quốc gia lớn cần có nhiều nghiên cứu hơn để thấu hiểu các quy trình vận hành của chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt tại những quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, phân chia hoạt động trên quy mô nhỏ sẽ giúp việc theo dõi và điều hành sản xuất kinh doanh dễ dàng, điều này cũng đồng nghĩa với việc quản lý lao động minh bạch và hiệu quả hơn.