17:50 16/03/2021

Cuộc họp tuần này của Fed sẽ gây "náo loạn" thị trường tài chính?

An Huy

"Thị trường sẽ lắng nghe từng từ ông ấy nói. Nếu ông ấy không nói gì, thị trường sẽ dịch chuyển. Nếu ông ấy nói nhiều, thị trường cũng sẽ dịch chuyển"

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.

Nhiều khả năng cuộc họp tuần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ gây biến động thị trường tài chính toàn cầu, cho dù Fed có cố gắng như thế nào để điều đó không xảy ra.

Với lãi suất trên thị trường tăng mạnh và nền kinh tế khởi sắc, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Mỹ đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư thời gian gần đây. Một câu hỏi lớn được đặt ra ở thời điểm này là đến khi nào Fed sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách. Trong cuộc họp báo sau khi Fed họp xong vào ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ được hỏi nhiều về chính sách lãi suất thấp và chương trình mua tài sản của Fed.

Khả năng lớn là ông Powell sẽ không đưa ra câu trả lợi cụ thể, nhưng những gì ông nói đều có thể gây xáo động thị trường trái phiếu vốn dĩ đã có mức độ biến động cao thời gian gần đây, và xáo động đó có thể lan sang thị trường cổ phiếu. Nếu lợi suất trái phiếu tăng mạnh, các cổ phiếu tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nhiều.

"Thị trường sẽ lắng nghe từng từ ông ấy nói. Nếu ông ấy không nói gì, thị trường sẽ dịch chuyển. Nếu ông ấy nói nhiều, thị trường cũng sẽ dịch chuyển", Giám đốc phụ trách mảng trái phiếu toàn cầu của BlackRock, ông Rick Rieder, phát biểu.

Ông Rieder cho rằng cuộc họp báo này sẽ là một thử thách đối với Fed nếu ngân hàng trung ương này bắt đầu thay đổi tín hiệu về chính sách tiền tệ. Tất cả những gì ông Powell nói trong cuộc họp báo sẽ được thị trường xem là chỉ báo về thời điểm mà Fed có thể xem xét thu hẹp chương trình mua trái phiếu và thậm chí là bắt đầu nâng lãi suất từ mức gần 0 hiện nay.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố mà Fed đưa ra sau cuộc họp này sẽ không có thay đổi đáng kể nào về câu chữ so với lần họp gần nhất. Tuy nhiên, Fed cũng sẽ công bố dự báo của các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - cơ quan đưa ra quyết sách trong Fed - về nền kinh tế và lãi suất.

"Tôi cho rằng họ sẽ thể hiện quan điểm lạc quan hơn một chút, nhưng vẫn thận trọng. Sẽ khó để họ mềm mỏng như trước, vì tình hình nền kinh tế đang cải thiện", ông Mark Cabana, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất ngắn hạn tại Mỹ của Bank of America, phát biểu. "Vì thế, tôi nghĩ họ sẽ bớt đi một chút sự mềm mỏng so với kỳ vọng của thị trường. Có thể họ sẽ phát tín hiệu về một đợt nâng lãi suất đầu tiên vào cuối năm 2023".

Ông Rieder nói Fed đã duy trì đều đặn chính sách tiền tệ nới lỏng trong hơn 1 năm trở lại đây, nhưng giờ là lúc Fed cần giao tiếp với thị trường về việc sẽ đến lúc Fed phải thay đổi chính sách cả về mua tài sản và lãi suất. Ông cho rằng Fed đã thể hiện quan điểm rõ ràng rằng Fed sẽ để một khoảng thời gian dài từ lúc bắt đầu phát tín hiệu về thay đổi chính sách cho tới khi Fed thực sự hành động.

Theo quan điểm của ông Rieder, Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu vào tháng 9 hoặc tháng 12 năm nay, và giờ chính là lúc Fed cần bắt đầu nói về việc này. Hiện tại, Fed đang mua vào mỗi tháng 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và 40 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc.

Cũng theo dự báo của ông Rieder, Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất ngắn hạn từ năm tới mà không ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế. Cho tới nay, Fed vẫn dự báo sẽ không nâng lãi suất trước năm 2024, nhưng điều này hoàn toàn có thể thay đổi trong dự báo mà Fed đưa ra sau lần họp tuần này.

"Họ không thể nâng lãi suất ngắn hạn trong năm nay, nhưng đến quý 2-3 năm sau, việc không nâng lãi suất ngắn hạn sẽ không phù hợp với các dự báo kinh tế", ông Reider nói.

Cuộc họp lần này của Fed diễn ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu có nhiều biến động. Trong vòng 6 tuần trở lại đây, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - vốn có ảnh hưởng lớn đến lãi suất các khoản vay mua nhà và mua xe - đã tăng từ mức 1,07% lên 1,64% vào hôm thứ Sáu tuần trước.

Lợi suất tăng phản ánh cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng của nền kinh tế, nhờ chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid và gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ. Đi kèm với đó là dự báo cho rằng lạm phát sẽ trỗi dậy cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Đây chính là khiến thị trường tài chính lo sợ, vì lạm phát tăng sẽ buộc Fed phải nâng lãi suất. Ông Powell gần đây đã trấn an rằng lạm phát nếu có tăng cũng chỉ là tăng tạm thời.

Theo ông Rieder, Fed có thể nâng lãi suất trong khi vẫn mua vào trái phiếu. Ông cho rằng có khả năng Fed chuyển sang mua những trái phiếu có kỳ hạn dài hơn để giữ lãi suất kỳ hạn dài ở mức thấp, bởi đó mới là những lãi suất ảnh hưởng đến các khoản vay như vay mua nhà, mua xe.