Cuộc vươn mình không dễ dàng của "người khổng lồ" Huawei
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra gay gắt, Huawei đã trở thành một "con bài" trên bàn đàm phán
Được thành lập bởi một cựu sỹ quan quân đội Trung Quốc với số vốn ban đầu là 21.000 Nhân dân tệ, sau hơn 30 năm, Huawei đã trở thành hãng sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời đứng ngang tầm với hai "ông lớn" Samsung và Apple trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu.
Tuy vậy, cuộc vươn mình ấn tượng của Huawei đang vấp phải không ít trở ngại, nhất là từ phía Mỹ.
"Con bài" đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Trước kia, khi nhắc đến các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, người ta thường nghĩ ngay đến hãng thương mại điện tử Alibaba hay tập đoàn Internet Tencent. Gần đây hơn, tâm điểm của sự chú ý đã được chuyển sang Huawei, khi công ty này vượt đối thủ Thụy Điển Ericsson để trở thành nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới. Cái tên Huawei cũng được nhắc đến nhiều hơn khi công ty đặt trụ sở ở Thẩm Quyến có thời điểm trong năm 2018 vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ nhì thế giới về doanh số.
Tuy vậy, cái tên Huawei chỉ thực sự phủ khắp các hãng truyền thông và tờ báo quốc tế sau khi Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Huawei bị bắt ở Vancouver, Canada vào đầu tháng 12/2018 theo đề nghị của Mỹ vì nghi án vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran.
Trên thực tế, Huawei được xem là công ty toàn cầu lớn nhất của Trung Quốc, bởi các sản phẩm của hãng này hiện diện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thay vì chỉ tập trung vào thị trường trong nước như Alibaba hay Tencent. Quan trọng hơn, Huawei đang được xem là công ty đi đầu về thiết bị mạng viễn thông thế hệ tiếp theo 5G, và theo đó đại diện cho tham vọng chiếm lĩnh thế giới về công nghệ của Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng vị thế này của Huawei khiến cho chính quyền Tổng thống Donald Trump lo ngại và tìm cách ngăn cản. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra gay gắt, Huawei đã trở thành một "con bài" trên bàn đàm phán.
Người sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên tại một khu vực xa xôi của tỉnh Quý Châu. Ông từng theo học tại Học viện Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh trước khi trở thành sỹ quan phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Ra khỏi quân đội, với số vốn 21.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 3.500 USD ở tỷ giá hiện nay, ông mở Huawei tại Thẩm Quyến vào năm 1987.
Nhờ nhanh nhạy nắm bắt cơ hội trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, Huawei không ngừng phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Sau thị trường trong nước, hãng này tiến ra thị trường nước ngoài từ Á sang u, dù chưa thể mở được cánh cửa thị trường Mỹ. Khi thị trường thiết bị viễn thông trở nên bão hòa, Huawei phát triển mạnh mảng thiết bị và tiếp tục thành công với các sản phẩm smartphone.
Doanh thu của Huawei đạt 39,5 tỷ USD trong năm 2013 và đến năm 2018 đã vượt mốc 100 tỷ USD, sớm hơn 4 năm so với mục tiêu ban đầu.
"Mỹ không thể nghiền nát chúng tôi!"
Ông Nhiệm Chính Phi, người sáng lập Huawei - Ảnh: CNN.
Tuy nhiên, năm 2018 cũng được xem là năm sóng gió nhất trong lịch sử Huawei. Từ lâu, Huawei đã bị Mỹ cáo buộc rằng có quan hệ gần gũi với Chính phủ Trung Quốc và thiết bị của Huawei có thể có "cửa sau" nhằm tạo điều kiện cho Bắc Kinh nghe lén các quốc gia khác.
Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, chiến dịch chống Huawei của Mỹ được đẩy lên một cấp độ mới. Chính quyền ông Trump kêu gọi và gây sức ép nhằm buộc các quốc gia đồng minh "cấm cửa" thiết bị mạng 5G của Huawei. Đỉnh điểm của chiến dịch này là vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, CFO Huawei và cũng là con gái cả của nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi.
Đối mặt với các cáo buộc của Mỹ, Huawei vẫn một mực phủ nhận, đồng thời duy trì nỗ lực đưa ra các sản phẩm mới để cạnh tranh trên thị trường smartphone toàn cầu đang dần bão hòa. Trong đó, phải kể tới mẫu smartphone với màn hình gập được trình làng tại Đại hội Thế giới di động (WMC) ở Barcelona vào tháng 2/2019.
Dù vốn là một người "kín tiếng" trên các phương tiện truyền thông, ông Nhiệm Chính Phi đã có loạt cuộc trả lời phỏng vấn với giới truyền thông quốc tế, bác bỏ những cáo buộc của Mỹ nhằm vào Huawei. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, ông tuyên bố: "Mỹ không thể nghiền nát chúng tôi!".
Theo các chuyên gia, những thách thức mà Huawei đang đối mặt khiến nhiều người nhận ra rằng một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thứ hai đang diễn ra. So với cuộc chiến thuế quan, cuộc chiến này âm thầm hơn, sử dụng những vũ khí kín đáo hơn, nhưng lại có những ảnh hưởng to lớn hơn nhiều so với thuế quan. Và "phần thưởng" dành cho bên thắng trong cuộc chiến thứ hai này là sự thống trị trong lĩnh vực công nghệ thông tin toàn cầu. Những biện pháp mà Mỹ nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE có lẽ không chỉ liên quan đến vấn đề vi phạm trừng phạt, mà còn nhằm mục đích "làm khó" cho đối thủ cạnh tranh chính của các hãng công nghệ Mỹ.
Trước đây, các công ty Trung Quốc chỉ quen với công việc lắp ráp với giá trị thấp, còn các công ty đến từ các nước giàu làm những công việc thiết kế với giá trị cao, tiếp thị sản phẩm và sản xuất linh kiện. Các công ty Trung Quốc khi đó cũng hài lòng với một tỷ suất lợi nhuận thấp hơn và việc sao chép công nghệ Mỹ thay vì tự làm công nghệ của riêng mình.
Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác. Các công ty Trung Quốc như Huawei đã có những bước rất dài và nhanh trong các khâu từ thiết kế, chế tạo linh kiện, sản xuất và tiếp thị sản phẩm. Đây có lẽ là một kết quả tất yếu, bởi Trung Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm đi lên trên mặt trận công nghệ. Thực tế này đặt vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ của Mỹ vào tình trạng lung lay, và Mỹ buộc phải tìm cách để chống lại sự nổi lên của các công ty Trung Quốc.
Giữ vai trò đi đầu trong sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ, Huawei đã và đang phải đương đầu sóng gió, và những thách thức thậm chí lớn hơn có thể đang chờ công ty này ở phía trước.