Cựu chủ tịch Nissan lần đầu lên tiếng trong video quay trước khi bị bắt lại
Ghosn khẳng định ông là "nạn nhân" của trò "chơi bẩn" của một số đồng nghiệp tại Nissan
Phát biểu trong một đoạn video thu sẵn trước khi bị bắt lại nhà giam, cựu chủ tịch hãng ôtô Nissan, Carlos Ghosn, nói rằng một số giám đốc của công ty này đã "chơi bẩn" khi dàn xếp để ông bị bắt giam thay vì làm việc để giải quyết các vấn đề.
"Nếu các bạn đang nghe tôi nói trong video này, có nghĩa là tôi không thể tổ chức cuộc họp báo như dự kiến vào ngày 11/4", Ghosn nói trong video được luật sư của ông, Junichiro Hironaka, phát tại một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 9/4. Đây là phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi Ghosn bị bắt lần đầu vào năm ngoái.
Theo nhận xét của Bloomberg, trong đoạn video này, cựu chủ tịch Nissan, cũng từng chủ tịch của liên minh ôtô Nissan - Renault - Mitsubishi, mặc áo sơ mi trắng, vest đen, phát biểu đầy tự tin và quyết đoán. Ông liên tục nhấn mạnh rằng mình "vô tội".
"Một vài lãnh đạo (tại Nissan) rõ ràng vì lợi ích và sự ích kỷ của bản thân mà hủy hoại nhiều giá trị", Ghosn nói trong video. "Chúng ta đang nói về những người đã thực sự 'chơi bẩn' trong vụ việc đang diễn ra. Tuy nhiên, hy vọng sự thật sẽ được vạch trần".
"Đây là một âm mưu...Không phải là sự tham lam hay độc tài, mà là một âm mưu, là hành vi chống lưng", Ghosn nói. "Đã có những lo sợ về bước đi tiếp theo của liên minh ôtô hướng tới một cuộc sáp nhập, điều này ở góc độ nào đó đe dọa tới một số người hoặc đe dọa tới quyền tự chủ của Nissan".
Theo luật sư Hironaka, cựu chủ tịch Nissan đã nhắc đến tên của một số người nhưng video đã được chỉnh sửa bởi tính chất nhạy cảm với vị thế hiện giờ của ông. Video này đã được quay khi Ghosn được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 9 triệu USD vào tháng trước.
Tuần trước, Ghosn bị bắt lại với các cáo buộc mới, gồm sử dụng tiền công quỹ lên tới 5 triệu USD của Nissan vào mục đích cá nhân thông qua trung gian. Đến nay, đây được đánh giá là cáo buộc nghiêm trọng nhất chống lại ông. Tuần trước, Tòa án Quận Tokyo cho biết ông sẽ bị giam ít nhất tới ngày 14/4.
Khi Ghosn bị bắt lần đầu tiên, liên minh Nissan - Renault - Mitsubishi đã bị lung lay. Từ đó, các công ty trong liên minh này đều đã cải tổ cấu trúc quản trị, nhằm giúp việc ra quyết định trơn tru và công bằng hơn.
Trước đó, vào hôm Chủ nhật (7/4), vợ của Carlos Ghosn, bà Carole Ghosn, đã rời Nhật Bản để về Pháp do lo sợ bị bắt giữ và "cảm thấy bị nguy hiểm" khi sống ở Nhật. Bà cũng cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hứa sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để giúp đỡ, sau khi bà kêu gọi tổng thống can thiệp vào vụ việc này.
Tuy nhiên, phát biểu trên đài phát thanh FranceInfo ngày hôm nay, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng can thiệp chính trị không phải là cách tốt nhất để giúp Carlos Ghosn.