Đã dành rất nhiều tiền trả nợ cho ngành giao thông nhưng còn phải trả tiếp
Trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng hiện vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ
Trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng hiện vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội.
Sáng 3/6 thảo luận tại hội trường về việc phân bổ và sử dụng nguồn dự phòng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016 - 2020, còn nhiều ý kiến băn khoăn với đề xuất của Chính phủ.
Giải trình ý kiến đại biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư cho 5 năm, bây giờ chỉ còn đúng nguồn dự phòng mà Quốc hội đang bàn. Trong khi đó, các địa phương, các bộ, ngành hiện nay đang có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, kể cả từ giao thông cho đến hạ tầng xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, cho đến các cơ sở tư pháp, các thanh toán nợ đọng xây dựng rồi cho đến cả vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nhiều vấn đề như thế nhưng không thể làm được, vì không có tên trong danh mục dự án Quốc hội đã quyết định, Bộ trưởng phân trần.
Trước diễn đàn Quốc hội, thêm một lần người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh trong giai đoạn vừa qua kế hoạch đầu tư công trung hạn tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước đây.
Trong 9.600 dự án triển khai ở kế hoạch đầu tư năm nay thì 8.000 dự án là chuyển tiếp, chỉ khởi công mới 400 dự án thôi, còn lại là trả nợ và thanh toán, Bộ trưởng nêu con số chứng minh.
Ông Dũng nhấn mạnh thêm, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng vẫn đang còn tồn nợ trên 20.000 tỷ. "Nếu như vậy chúng ta còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết nợ của ngành giao thông", Bộ trưởng nói.
Trước băn khoăn của đại biểu về việc thuyết minh của Chính phủ thiếu thuyết phục, Bộ trưởng trình bày, việc phân bổ khoản dự phòng là dự kiến trước kế hoạch để triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư mà không phải đợi đến khi có nguồn lực rồi mới phân bổ để thực hiện các thủ tục đầu tư. Nếu không chuẩn bị trước thì không thể có dự án để khi có nguồn lực là có thể phân bổ ngay và có thể giải ngân ngay. Đây cũng là quy định của Luật Đầu tư công, Bộ trưởng giải thích.
Đến đây, thêm một lần ông Dũng nêu lại rằng, trong các nhiệm kỳ trước quyết định đầu tư không dựa vào đâu hết, không biết nguồn lực ở đâu đã quyết định dẫn đến dàn trải, nợ đọng, thất thoát, lãng phí.
Nhưng khi Luật Đầu tư công thông qua đã yêu cầu xác định được khả năng ngân sách và khả năng cân đối thì mới quyết định được chủ trương đầu tư thì lại vướng câu chuyện "con gà, quả trứng" là chuẩn bị vốn trước hay chuẩn bị dự án trước.
Lần này, theo Bộ trưởng phải xác định có nguồn vốn trước, phải chỉ ra được nguồn vốn đó ở đâu, khả năng là bao nhiêu rồi phân giao lại cho các địa phương của ngành theo các mục tiêu Quốc hội cho phép, sau đó chuẩn bị dự án. Chuẩn bị dự án xong thì tùy ngân sách thực tế hàng năm cho đầu tư phát triển, dựa trên các dự án đã đủ thủ tục giao tiền thực tế hàng năm. Đây cũng là khắc phục việc giải ngân chậm mà Quốc hội đã nêu rất nhiều trong mấy ngày qua.
Từ lập luận trên, Bộ trưởng khẳng định, việc phân bổ dự phòng chung ở thời điểm hiện nay là cần thiết.
Trả lơi câu hỏi vậy nguồn lực lấy ở đâu khi mà đang còn thiếu so với kế hoạch được phê duyệt là 155 nghìn tỷ đồng nếu phân bổ hết vốn dự phòng, Bộ trưởng cho biết đang có rất nhiều các dự án không triển khai được. Mỗi một năm, tốc độ giải ngân mới chỉ đạt loanh quanh 80%, như vậy đang còn khoảng 20% không giải ngân hết.
Thứ hai là trái phiếu Chính phủ cũng không giải ngân hết.
Thứ ba là các công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc Nam, đang để ở đó hơn 80 nghìn tỷ không giải ngân hết.
Bộ trưởng cũng khẳng định, vì đang ở năm thứ 4 của kế hoạch nên không thể bóc tách được chính xác dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được.
Như vậy, theo Bộ trưởng thì thời điểm phù hợp nhất là cuối năm nay có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn là bao nhiêu, khi đó mới phân bổ, dự kiến được theo khả năng nguồn lực thực tế.