Đã đến lúc tích lũy cổ phiếu dầu khí?
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam (GMP) dự báo nhu cầu khí đốt sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2025, đạt khoảng 20 bcm mỗi năm và đà tăng sẽ chậm lại sau đó...
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành dầu khí vừa công bố, Chứng khoán KIS kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đi ngang trong năm 2023F vì có sự cân bằng giữa cung và cầu, cùng với việc áp giá trần để kiềm chế giá dầu.
NHU CẦU KHÍ TỰ NHIÊN TĂNG CAO
Trong năm 2023F, việc nền kinh tế đang xấu đi và mở cửa trở lại ở Trung Quốc tiếp tục tác động lên tâm lý của thị trường dầu mỏ.
IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong năm 2023F là 1,6 triệu thùng/ngày lên gần 102 triệu thùng/ngày, kỳ vọng Trung Quốc mở cửa trở lại bù đắp cho nền kinh tế toàn cầu ảm đạm. EIA dự báo tăng trưởng nguồn cung thế giới sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày lên 101,5 triệu thùng/ngày trong 2023F được hỗ trợ bởi tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC ở mức 1,5 triệu thùng/ngày để bù đắp cho khả năng sụt giảm của OPEC+.
G7 và EU đã thông qua mức giá trần 60 USD/thùng cho dầu thô của Nga và có thể điều chỉnh được. Áp trần giá đã được thiết lập để hạ nhiệt giá dầu toàn cầu trong khi vẫn giữ cho thị trường nguồn cung toàn cầu ổn định. Do đó, dự báo giá dầu Brent sẽ lần lượt giảm xuống còn 83 USD/thùng và 76 USD/thùng trong năm 2023 và 2024, đồng thời sẽ ổn định ở mức 73 USD/thùng trong năm 2025-2028.
Việc Nga cắt giảm mạnh nguồn cung cho EU trong bối cảnh nhu cầu khí đốt tăng cao để sản xuất điện đã đẩy giá khí LNG châu Âu (TTF Hà Lan) và giá LNG giao ngay Châu Á lên mức cao nhất trong lịch sử trong 2022. Giá Henry Hub (khí tự nhiên tại Mỹ), giá LNG giao ngay châu Âu và châu Á đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại và đạt trung bình ở mức 6 USD, 38 USD và 34 USD/mm BTU vào năm 2022.
Giá TTF và giá LNG giao ngay châu Á cao hơn 8 và 5 lần so với mức trung bình 5 năm trong giai đoạn 2016-2020. Giá TTF Hà Lan thường đã được giao dịch ở mức cao hơn USD3-5 mmBTU so với LNG giao ngay châu Á, cho phép các nhà cung cấp LNG đến châu Âu nhiều hơn trong năm 2022.
IEA dự báo giá LNG và Henry Hub sẽ đi ngang ở mức hiện tại trong năm 2023F, TTF được dự báo ở mức trung bình 17 USD/MBtu, giá LNG giao ngay châu Á trung bình chỉ dưới 17 USD/MBtu và Henry Hub trung bình là 2,8 USD/MBtu.
EIA dự kiến khối lượng giao dịch LNG toàn cầu năm 2023 sẽ tăng 4,3% do nhu cầu LNG từ nhập khẩu châu Âu mở rộng với cơ sở hạ tầng nhập khẩu mới và nhu cầu châu Á phục hồi sau khi sụt giảm trong 2022.
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam (GMP) dự báo nhu cầu khí đốt sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2025, đạt khoảng 20 bcm mỗi năm và đà tăng sẽ chậm lại sau đó. Sự gia tăng nhu cầu này sẽ được thúc đẩy bởi quy hoạch điện nhằm tăng công suất phát điện chạy bằng khí đốt từ khoảng 9 GW năm 2017 lên 38 GW vào năm 2030.
Phần lớn nhu cầu này sẽ được đáp ứng bởi các mỏ khí mới với chi phí khai thác cao hơn do ở khu vực nước sâu hơn và địa chất phức tạp hơn. Do đó, việc bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2023 cũng sẽ cấp thiết để bổ sung cho sản xuất khí tự nhiên trong nước đang suy giảm.
CỔ PHIẾU NÀO TIỀM NĂNG?
Xu hướng tăng giá cả các loại hàng hóa cộng với cuộc chiến Nga-Ukraine dẫn đến lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu khí toàn cầu và vấn đề an ninh năng lượng. Những điều này sẽ thúc đẩy các quốc gia tích trữ dầu khí, dẫn đến nhu cầu dầu thô cao trong ngắn hạn và đẩy giá dầu thô lên mức cao nhất trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang xấu đi và sản lượng dầu của Nga phục hồi mạnh mẽ đã tác động đến giá dầu thô vào cuối năm 2022 và năm 2023F.
Chứng khoán KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với ngành Dầu khí để phản ánh những thuận lợi từ giá dầu thô tương đối cao hiện tại, tích cực cho các hoạt động thượng nguồn. Tuy nhiên, sự khó đoán của giá dầu cũng là rủi ro lớn nhất có thể làm thay đổi triển vọng ngành nhanh hơn kỳ vọng.
Lựa chọn hàng đầu là PVD và GAS trong đó PVD dẫn đầu thị trường cho thuê giàn khoan tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần và đã mở rộng kinh doanh sang thị trường Đông Nam Á. GAS là công ty độc quyền vận chuyển & kinh doanh khí đốt tại Việt Nam. GAS cung cấp nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện khí, nhà máy sản xuất phân bón và các khu công nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, GAS là công ty dẫn đầu thị trường LPG và có kế hoạch cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG).
GAS sẽ bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2024F với giá LNG tốt hơn cho kho cảng LNG Thị Vải - Giai đoạn 1. Bên cạnh đó, dự án Lô B – Ô Môn, là dự án phát triển khí thượng nguồn quan trọng thứ hai, do PVN sở hữu và GAS có 51% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ USD, kỳ vọng sẽ nhận dòng khí đầu tiên từ năm 2026F sau khi chính phủ xử lý thông suốt các vấn đề pháp lý.