Đà giảm của giá vàng trong nước bằng một phần ba so với thế giới
Trong phiên 7/7, giá bán vàng miếng SJC giảm 0,33% và giá bán vàng nhẫn giảm 0,34% so với chốt phiên cuối tuần trước (5/7). Tuy nhiên, mức giảm này chỉ bằng 1/3 so với mức 0,9% của giá vàng thế giới…

Trong phiên 7/7, sau nhịp đi ngang vào cuối tuần trước (5/7), các doanh nghiệp kinh doanh đồng loạt giảm giá mua, bán vàng miếng SJC. Cập nhật lúc 15 giờ 30 phút ngày 7/7, các hệ thống lớn trên toàn quốc đều niêm yết giá mua vào vàng miếng ở mức 118,5 triệu và giá vàng miếng bán ra là 120,5 triệu đồng. So với giá chốt phiên 5/7, giá giao dịch vàng miếng giảm 400 nghìn đồng mỗi chiều.
Tại TP.Hồ Chí Minh, Ngọc Thẩm là thương hiệu ghi nhận mức điều chỉnh giảm mạnh nhất trên thị trường với 1 triệu đồng mỗi chiều, niêm yết tại 117,3 triệu – 119,5 triệu đồng. Trong khi đó, Mi Hồng điều chỉnh giảm 200 nghìn đồng đối với chiều bán nhưng giữ nguyên chiều mua.

Nguồn: VnEconomy tổng hợp từ bảng giá doanh nghiệp
Bám sát thị trường vàng miếng, xu hướng giảm cũng diễn ra trên thị trường vàng nhẫn. Các đơn vị kinh doanh giảm từ 400 nghìn – 600 nghìn đồng đối với chiều mua và giảm từ 400 nghìn – 500 nghìn đồng đối với chiều bán so với phiên cuối tuần trước (5/7).
Mở cửa phiên sáng, Công ty SJC giảm 400 nghìn đồng đối với cả hai chiều mua và bán, niêm yết giá mua vào vàng nhẫn ở mức 113,9 triệu và giá vàng miếng bán ra là 116,4 triệu đồng. Tính đến 15 giờ 30 phút ngày 7/7, Công ty SJC vẫn duy trì mức giá giao dịch trên với chênh lệch giá mua, bán là 2,5 triệu đồng.
Tương tự, Công ty Phú Quý chỉ ghi nhận 1 lần điều chỉnh giảm trong phiên 7/7. Mở cửa phiên sáng, thương hiệu này niêm yết giá mua, bán vàng nhẫn ở mức 113,9 triệu – 116,9 triệu đồng/lượng, giảm 400 nghìn đồng mỗi chiều so với giá chốt phiên 5/7.
Cập nhật lúc 15 giờ 30 phút, Phú Quý vẫn giữ mức giá giao dịch này. Đây là thương hiệu ghi nhận mức điều chỉnh khiêm tốn nhất so với các thương hiệu còn lại nhưng chênh lệch giá mua, bán cao nhất thị trường là 3 triệu đồng.
Cập nhật lúc 15 giờ 30 phút ngày 7/7, Công ty DOJI đặt giá giao dịch vàng nhẫn ở mức 115 triệu – 117 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 500 nghìn đồng mỗi chiều so với giá chốt phiên cuối tuần trước (5/7).
Tại khu vực phía Nam, tính đến 15 giờ 30 phút ngày 7/7, Ngọc Thẩm vẫn giữ giá giao dịch ở mức 107,3 triệu – 109,5 triệu đồng (mua – bán) từ phiên sáng. So với giá chốt phiên 5/7, thương hiệu này giảm 500 nghìn đồng đối với cả hai chiều mua và bán.
Trong khi đó, Công ty PNJ là thương hiệu duy nhất ghi nhận chiều mua vào giảm mạnh hơn chiều bán ra. Cập nhật lúc 15 giờ 30 phút, thương hiệu này niêm yết giá mua vào vàng nhẫn ở mức 114,2 triệu và giá vàng miếng bán ra là 116,9 triệu đồng. So với giá chốt phiên 5/7, thương hiệu này giảm 600 nghìn đồng đối với chiều mua và giảm 500 nghìn đồng đối với chiều bán.
Lúc 15 giờ ngày 7/7, trên thị trường thế giới, hợp đồng giá vàng giao ngay đảo chiều giảm 0,9%, ở mốc 3.305,1 USD/oz.
Theo tỷ giá Vietcombank (đã bao gồm thuế và phí...), chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới phổ biến ở mức 14,9 triệu đồng/lượng. Với vàng nhẫn “4 số 9”, tùy từng thương hiệu, mức chênh lệch này dao động từ 10,4 – 12,2 triệu đồng/lượng. Ngọc Thẩm vẫn ghi nhận khoảng cách thấp nhất là 3,5 triệu đồng/lượng.

Nguồn: VnEconomy tổng hợp
Giá vàng nhẫn “4 số 9” bán ra cao nhất vẫn thuộc về Bảo Tín Minh Châu. Trong phiên 7/7, thương hiệu này cũng chỉ ghi nhận 1 lần điều chỉnh giảm. Mở cửa phiên sáng, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua, bán vàng nhẫn tròn trơn ở mức 115,2 triệu – 118,2 triệu đồng, giảm 500 nghìn đồng mỗi chiều so với giá chốt phiên 5/7. Cập nhật lúc 15 giờ 30 phút ngày 7/7, thương hiệu này vẫn không thay đổi mức giá niêm yết trên.
Tính đến 15 giờ 30 phút ngày 7/7, Bảo Tín Mạnh Hải cũng niêm yết giá vàng nhẫn ép vỉ Kim Gia Bảo ở mức 115,2 triệu – 118 triệu đồng/lượng. So với giá chốt phiên 5/7, giá mua, bán vàng nhẫn tại thương hiệu này giảm 500 nghìn đồng mỗi chiều.