11:22 10/10/2008

Da giày tiếp tục gặp khó

Ái Vân

Ngành giày Việt Nam đang đứng trước tình hình khó khăn bởi EU gia hạn mức thuế chống phá giá cho mặt hàng giày mũ da

Trong 9 tháng 2008 qua, ngành da giày Việt Nam xuất khẩu đạt 3,65 tỷ USD.
Trong 9 tháng 2008 qua, ngành da giày Việt Nam xuất khẩu đạt 3,65 tỷ USD.
Ngành giày Việt Nam đang đứng trước tình hình khó khăn bởi EU gia hạn mức thuế chống phá giá cho mặt hàng giày mũ da.

Tiếp đó, từ năm 2009, sản phẩm giày Việt Nam gánh thêm 5% thuế theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ (GSP). Quyết định áp thuế của EU như một cú “đánh” mạnh giáng xuống đầu các doanh nghiệp ngành giày Việt Nam.

Ngày 2/10, tức là 5 ngày trước thời điểm hiệu lực áp thuế chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc từ 2006-2008 chấm dứt, Uỷ ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định tiến hành rà soát chống bán phá giá cho giày mũ da nhập từ Việt Nam và Trung Quốc. Đây là hoạt động thực hiện theo yêu cầu của Liên đoàn công nghiệp giày châu Âu, đơn vị đại diện cho 38% các nhà sản xuất mặt hàng giày mũ da tại châu Âu.

Như ý kiến của luật sư Fabrizio - Công ty luật Van Bael & Bellis, đơn vị đại diện và tư vấn pháp lí cho Hiệp hội Da giầy Việt Nam (lefaso) trong vụ việc EU điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da của Việt Nam, thì cuộc rà soát là nhằm để quyết định việc chấm dứt thuế chống bán phá giá liệu có dẫn đến việc tiếp tục hay tái diễn việc bán phá giá hay không.

Vì vậy, trong thời gian rà soát, EC sẽ tập trung xem xét vào cả hai khía cạnh thiệt hại trong quá khứ và cả những thiệt hại cho ngành sản xuất giày da tại nội địa trong tương lai. Sẽ có hai trường hợp diễn ra sau cuộc rà soát: chấm dứt biện pháp áp thuế hoặc tiếp tục duy trì.

Giai đoạn rà soát sẽ tiến hành trong vòng từ 12-15 tháng như thông lệ. Trong thời gian tiến hành rà soát mức thức bán phá giá 10% vẫn tiếp tục duy trì áp cho mặt hàng giày mũ da Việt Nam cho đến khi EC có kết luận cuối cùng về kết quả giai đoạn rà soát.

Phối hợp cung cấp thông tin trong quá trình kiểm tra

Thời gian qua, lượng giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU đã giảm 25% so với trước. Trước thời điểm EC áp 10% thuế bán phá giá, giày mũ da Việt Nam xuất khẩu vào EU đã giảm 18%.

Trong 2 năm bị áp thuế, lượng giày mũ da Việt Nam tiếp tục giảm thêm 7%. Thị phần giày mũ da Việt Nam tại thị trường EU cũng đã sụt giảm mạnh, năm 2005 chiếm 13,1%, sang 2006 còn 11,7% và trong năm 2007 chỉ đứng ở mức 10,8%.

Thời gian qua, giá giày trên thị trường EU đã tăng lên, luật sư Fabrizio cho rằng đây là một trong những lí do để các nhà sản xuất da giày EU ép buộc EC tiến hành cuộc rà soát.
 
Các doanh nghiệp muốn tham gia vào trong danh sách đơn vị được chọn mẫu cần cung cấp những thông tin liên quan trong vòng 15 ngày từ ngày quyết định rà soát được công bố. Các doanh nghiệp nằm trong danh sách chọn mẫu cần gửi bảng trả lời câu hỏi của EC gửi đến trong thời gian 37 ngày từ ngày có danh sách thông báo chọn mẫu.

Các doanh nghiệp da giày Việt Nam cần nhanh chóng thu thập những thông tin về thị trường da giày của EU, gửi lên EC thông tin về những thiệt hại từ việc áp thuế phá giá. Các nhà xuất khẩu da giày cần liên kết với các nhà nhập khẩu tại EU để cập nhật nguồn thông tin, tiếp hành các chiến lược vận động hành lang.

Vì thực tế, biện pháp chống bán phá giá không thể được áp dụng nếu không mang lại lợi ích cho cộng đồng là những nhà bán lẻ, người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu...

Như thông tin từ thông cáo báo chí EC phát hành, trong phiên họp tham vấn của  Uỷ ban chống bán phá giá đã có 15/27 đại diện thương mại của các nước thành viên EU phản đối quyết liệt quyết định gia hạn và tiến hành rà soát chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam và Trung Quốc.

Hiện tại, thị trường  EU có khoảng 400 triệu người, đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng từ sự  suy thoái của nền kinh tế thế giới. Nếu việc áp dụng thuế bán chống phá giá cho giày mũ da Việt Nam tiếp tục, tức là người tiêu dùng EU cũng phải chịu  tác động.

Một điều cần thực hiện mang tính quan trọng nhất trong giai đoạn EC rà soát vụ giày mũ da hiện nay là sự hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan Ban điều tra. Sự hợp tác của doanh nghiệp sẽ giúp cho EC có được những thông tin chính xác, từ đó sẽ tránh được trường hợp kết quả phán quyết không phản ảnh đúng thực tế. EC có quyền xử dụng những thông tin có được, không phân biệt nguồn cung cấp, vì vậy nếu trong quá trình xác minh thông tin các doanh nghiệp Việt Nam không hợp tác thì kết quả có thể sẽ càng xấu hơn.

Bên cạnh đó, theo thông lệ, một khi quyết định áp thuế có hiệu lực các doanh nghiệp nước nhập khẩu còn có quyền đưa ra yêu cầu tiến hành rà soát giữa kì nhằm thay đổi mức thuế áp trên sản phẩm. Tuy nhiên, việc hạ mức thuế sẽ không thể xảy ra bởi bao giờ người đưa ra yêu cầu rà soát cũng muốn đạt được quyền lợi.

Đó là lí do để các doanh nghiệp ngành giày Việt Nam đoàn kết, hợp sức lại cùng đấu tranh, và hợp tác với cơ quan điều tra của EC đưa ra những chứng cứ thuận lợi, để vượt qua được phán quyết tiếp tục áp thuế chống bán phá giá vào cuối kì rà soát này là bảo vệ quyền lợi của chính mình, đồng thời tránh khỏi những rắc rối phát sinh sau này.

Không chỉ vậy, tiếp đó, các doanh nghiệp cũng cần tiến hành chuẩn bị những lập luận liên quan về vấn đề tác động tiêu cực có thể xảy ra nếu gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá. Trên thực tế người đệ đơn kiện bao giờ cũng sẽ đưa ra mọi lí lẽ để chứng minh cho quan điểm của mình.

Mới đây như  thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, Hiệp hội Da giày sẽ tiến hành các hoạt động để hỗ trợ cho các doanh nghiệp da giày  trong giai đoạn rà soát này.

Doanh nghiệp giày nỗ lực hơn nữa

Vừa qua, Lefaso đã đưa ra bảng kết quả khảo sát về những thiệt hại cho ngành da giày Việt Nam trong 2 năm áp thuế chống bán phá giá cho giày mũ da Việt Nam tại EU. Như đánh giá của bảng khảo sát các doanh nghiệp và đời sống của người lao động Việt Nam đều bị tác động trực tiếp.

Hiện nay, ngành giày da Việt Nam khoảng hơn 450 nhà sản xuất đang sản xuất khoảng 500 triệu đôi/năm, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp, trong đó lao động nữ ở độ tuổi từ 18-25, tuổi chiếm đến 90%. Lao động trong ngành giày phần lớn là dân nhập cư hạn chế về trình độ học vấn, không có tay nghề.

Như khảo sát của Lefaso đã có gần 40.000 người đã mất việc do các doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động vì đơn hàng sụt giảm. Có đến 20-25% doanh nghiệp giày chịu tác động nặng nề trực tiếp từ vụ kiện bán phá giá. Không ít các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đành phải đóng cửa vì không cầm cự được trước tình hình đơn hàng sụt giảm.

Nếu mức thuế chống bán phá giá vẫn tiếp tục giáng vào sản phẩm giày mũ da Việt Nam thì sẽ đẩy ngành giày da Việt Nam vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Từ 2009, sản phẩm giày Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ phải chịu thêm mức thuế xuất 5% do EU đã đưa sản phẩm giày Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng GSP giai đoạn 2009 -2011.

Vì vậy, như nhận định của các doanh nghiệp, ngành giày sẽ hoạt động vô cùng khó khăn trong thời gian tới đây vì nằm trong cảnh “1 cổ 2 tròng”.

Sức cạnh tranh về giá của giày Việt Nam sẽ suy giảm so với các nước khác trong khu vực. Trong thời buổi tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn vì chi phí sản xuất, chi phí nguyên liệu tăng lên, chưa bàn đến vấn đề “đói” đơn hàng. Mặc dù, thuế bán phá giá chỉ áp dụng riêng cho mặt hàng giày mũ da nhưng thực tế toàn ngành giày Việt Nam đều bị ảnh hưởng.

Một khi khách hàng đã chuyển một trong những đơn hàng sang vùng cung cấp mới tức là toàn bộ đơn hàng của họ cũng sẽ di chuyển theo vì các yếu tố ràng buột về quản lí, vận chuyển.

Trong 9 tháng 2008 qua, ngành da giày Việt Nam xuất khẩu đạt 3,65 tỷ USD. Như kế hoạch cả năm sẽ là 4,5 tỷ USD. Có thể nói tình hình 2008 xem như tạm ổn, nhưng bước sang năm 2009 trở đi, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa vì hoạt động xuất khẩu lại vướng thêm rào cản thương mại.