17:54 08/05/2024

Đà Nẵng: 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước

Ngô Anh Văn

Trong 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục khởi sắc nhờ được thúc đẩy bởi nhiều chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến thương mại được triển khai…

Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 trên địa bàn thành phố ước đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 23.628 tỷ đồng, tăng 10,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 23,2% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 98,5%.

Cụ thể, các nhóm hàng hóa bán lẻ tăng cao gồm: đồ dùng, vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 34,7%; xăng, dầu các lọai tăng 19,1%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng tăng 18,7%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 18,3%; lương thực thực phẩm tăng 14,6%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 13,9%; hàng may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 10,9%; hàng hóa khác tăng 9,7%.

Hoạt động bán buôn hàng hóa tuy tăng nhẹ so với tháng trước nhưng phục hồi khá rõ nét so với cùng kỳ năm 2023 (tháng 4 ước đạt 12.578 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 23,1% so với tháng cùng kỳ năm trước).

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán buôn trên địa bàn thành phố ước đạt 46.583 đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm ngành tăng mạnh ở kỳ này so với cùng kỳ năm trước như: xăng dầu các loại (+50,6%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+30,8%); phân bón và thuốc trừ sâu (+19,7%); gỗ và vật liệu xây dựng (+10,8%)…

Ông Trần Văn Vũ, cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, cho hay nhờ hiệu quả từ chính sách gia hạn thêm thị thực nhập cảnh đối với khách quốc tế, cùng với các chương trình kích cầu du lịch, cũng như sự nỗ lực của chính quyền nên hoạt động du lịch ngày càng khởi sắc và thu hút đông đảo khách quốc tế du lịch đến Việt Nam. Nhờ đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 4 ước đạt 2.321 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 868 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.453 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 8.403 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu lưu trú 4 tháng ước đạt 3.148 tỷ đồng tăng 48,1%; doanh thu ăn uống ước đạt 5.255 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ; tổng doanh thu toàn ngành vận tải; bưu chính, chuyển phát ước đạt 7.234 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước…

Các nhóm ngành dịch vụ có doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+37,4%); dịch vụ giáo dục và đào tạo (+31,6%); dịch vụ khác (+12,9%); dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (+5,5%).

Ở chiều ngược lại, thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu phục hồi mạnh, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng gần như khá tẻ nhạt là nguyên nhân dẫn đến doanh thu của hoạt động kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng tiếp tục duy trì xu hướng giảm sâu (-65,1%); dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 3,3%. Với mức giảm của những nhóm ngành dịch vụ này đã làm tác động đáng kể đến xu hướng phát triển của nhóm dịch vụ tiêu dùng khác so với cùng kỳ năm 2023.