21:59 25/06/2022

Đà Nẵng có nhiều tiềm năng trở thành mô hình xúc tiến đầu tư hiệu quả

Phúc Minh

Tại “Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022”, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam khẳng định Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để trở thành một mô hình xúc tiến đầu tư hiệu quả. Ngoài thu hút vốn FDI và ODA, Đà Nẵng có thể đa dạng hóa hơn nữa các nguồn lực tài chính cho phát triển...

Các đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022.
Các đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022.

Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam ngày càng phát triển trong lĩnh vực đầu tư. Cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 11/2021 và tháng 5/2022, đã minh chứng rằng các doanh nghiệp Nhật Bản nhiệt tình đầu tư vào Việt Nam, ngay cả trong tình dịch dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.

Cũng tại Hội thảo đầu tư được tổ chức nhân dịp chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã ký kết 45 MOU trị giá 12 tỷ USD, đồng thời trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida vào tháng 5 vừa qua, hai bên đã trao đổi văn kiện, tiến hành ký kết 22 MOU trị giá 910 triệu USD.

Trong đó bao gồm dự án đã được cam kết hợp tác giữa 3 bên gồm thành phố Đà Nẵng với tập đoàn BRG và tập đoàn Sumitomo về việc phát triển và vận hành Cảng Liên Chiểu.

Đại sứ Yamada Takio thông tin thêm, hiện nay, ngoài Công ty TNHH Sản xuất Murata đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, có khoảng 140 doanh nghiệp khác thuộc hiệp hội như Mabuchi Motor… đang hoạt động tại thành phố Đà Nẵng.

Đến nay có khoảng 216 hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào thành phố Đà  Nẵng, với tổng mức đầu tư luỹ kế lên tới 800 triệu USD. Sự kiện gần đây nhất là Khách sạn Mikazuki đã khai trương tại thành phố Đà Nẵng.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại sự kiện ngày 25/6/2022.. 
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại sự kiện ngày 25/6/2022.. 

“Tôi được biết thành phố Đà Nẵng đang tập trung thu hút các doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển như ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin...", Đại sứ nói và cho hay ở các lĩnh vực này, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đầu tư, như công ty Fujikin sản xuất van bán dẫn, đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và sản xuất, dự định hoàn thành vào tháng 8, 9 năm nay. Công ty Renesas là một hãng sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, đã đặt văn phòng tại Đà nẵng vào tháng 4 vừa qua.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Sản xuất Murata, một trong những công ty lớn của Nhật Bản tại Đà Nẵng, là hãng sản xuất linh kiện điện tử toàn cầu đang có kế hoạch mở rộng đầu tư thêm khoảng 32 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất mới.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Aeon Mall cũng đang cân nhắc mở thêm các Trung
tâm thương mại. Việc khai trương thêm các Trung tâm thương mại của Aeon mall sẽ nâng cao môi trường sống của người nước ngoài tại đây, bao gồm cả người Nhật Bản, kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Đà Nẵng.

“Bằng cách này, tôi tin rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có thể hợp tác
mạnh mẽ hơn nữa vì sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. So với Hà Nội và TP. HCM, Đà Nẵng có lợi thế là giá thuê khu công nghiệp còn rẻ, nguồn nhân lực dồi dào”, Đại sứ Yamada Takio nói và mong muốn chính quyền thành phố Đà Nẵng tiếp tục lắng nghe các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố để nơi đây ngày càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa.

Nhấn mạnh đến nhiều thuận lợi của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhìn nhận vị trí chiến lược của thành phố Đà Nẵng trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế trọng yếu sẽ vẫn là vốn quý quan trọng và là cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.

Do đó, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công. “Đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ động lực phát triển, bao gồm động lực mạnh mẽ đến từ các khu vực tư nhân, với trọng tâm là tính bền vững lâu dài”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Từ góc độ quy hoạch, đại diện WB cũng khuyến nghị khi Đà Nẵng thu hút lượng nhập cư ngày càng tăng thì lõi đô thị hiện tại đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng. Để giải quyết tốt áp lực này và đảm bảo cung cấp dịch vụ hiệu quả, điều quan trọng là phải dự đoán và lập kế hoạch cho những thách thức trong tương lai và thực hiện các giải pháp dài hạn sớm.

Cơ sở hạ tầng xanh, không gian xanh công cộng, phát triển theo định hướng giao thông, quản lý chất thải và tái tạo đô thị, là một số lĩnh vực chính có tiềm năng cải thiện đáng kể khả năng đáng sống của thành phố và nhân lên lợi nhuận từ các khoản đầu tư trong tương lai, bao gồm cả những lĩnh vực đến từ khu vực tư nhân.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn ngày 25/6/202. 
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn ngày 25/6/202. 

Ngoài ra, sự tiến bộ trong ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh sẽ mở ra tiềm năng tăng trưởng to lớn thông qua việc tạo điều kiện cho sự hợp tác và phối hợp tinh vi giữa các ngành, mở ra cánh cửa cho các giải pháp đô thị sáng tạo và tạo cơ hội cho nền kinh tế kỹ thuật số.

“Cần phải chỉ ra rằng các rủi ro trong tương lai, đặc biệt là rủi ro biến đổi khí hậu phải được lồng ghép kỹ lưỡng vào quy hoạch Đà Nẵng để đảm bảo tính bền vững”, bà Carolyn Turk nêu quan điểm.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng có tiềm năng để có thể là một mô hình xúc tiến đầu tư hiệu quả. Ngoài thành công trong việc thu hút vốn FDI và ODA, Đà Nẵng có thể đa dạng hóa hơn nữa các nguồn lực tài chính cho phát triển.

Đà Nẵng ngày càng cần thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực của khu vực tư nhân, cả nước ngoài và trong nước, để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số; dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao; sản xuất công nghệ cao; phát triển việc giảm thiểu các-bon và du lịch.

Bước đầu tiên, Đà Nẵng có thể xem xét thực hiện phân tích xếp hạng tín dụng, đây là một phân tích quan trọng để thu hút sự quan tâm và niềm tin của thị trường, cũng như giúp thiết lập giá cả cạnh tranh của các công cụ nợ.

“Nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện cũng như quản lý tài khóa minh bạch, kỷ luật và hiệu quả là những yếu tố quan trọng cần quản lý để đạt được xếp hạng tín nhiệm tốt của thành phố”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.