Để tạo đà tăng trưởng cho thành phố sau thời gian đóng băng vì đại dịch Covid-19, chiều ngày 25/6/2022, Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 với sự tham dự của gần 600 đại biểu đến từ: Lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan; một số đại sứ quán và các cơ quan lãnh sự đóng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn có sự tham dự trực tuyến của hơn 300 đại biểu.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh: "Chúng tôi ý thức rằng, không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ. Điều đó đòi hỏi từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách".
Ban tổ chức Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 cũng đã dày công chuẩn bị những ấn phẩm, phim, phóng sự giới thiệu về Đà Nẵng nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của địa phương này để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư; tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong bối cảnh khi mở cửa nền kinh tế sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sự chuẩn bị chu đáo cho Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 đã gây ấn tượng mạnh với các đại biểu tham dự, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài đã và đang lựa chọn Đà Nẵng làm điểm đến trong tương lai gần.
Ông Yamada Takia, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có lợi thế là giá thuê khu công nghiệp cònrẻ, nguồn nhân lực dồi dào. Thông qua diễn đàn lần này, góp phần phổ biến những điểm hấp dẫn và thế mạnh riêng của thành phố Đà Nẵng mà các tỉnh thành khác không có, do đó đây là một dịp rất đúng lúc và cần thiết.
Bà Carolyn Turk Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng ngoài thành công trong việc thu hút vốn FDI và ODA, Đà Nẵng có thể đa dạng hóa hơn nữa các nguồn lực tài chính cho phát triển. Đà Nẵng ngày càng cần thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực của khu vực tư nhân, cả nước ngoài và trong nước, để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số; dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao; sản xuất công nghệ cao; phát triển việc giảm thiểu các-bon và du lịch.
Theo định hướng của Đà Nẵng, đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với 3 trung tâm chức năng chính gồm: Trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, Trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ cao và Trung tâm tài chính quốc tế.Và Diễn đàn Đầu tư lần này là hoạt động đặc biệt quan trọng để "thành phố đáng sống" đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn giúp cho Đà Nẵng tạo sức bật tốt hơn sau đại dịch.
Để hiện thực hóa định hướng nêu trên, Đà Nẵng thông qua Diễn đàn lần này tập trung kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm gồm: dự án cảng Liên Chiểu; dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; dự án Không gian sáng tạo Đà Nẵng... Được biết, dự án cảng Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU. Dự án gồm 2 hợp phần.
Trước khi Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 chính thức diễn ra, sáng 25-6, các đại biểu doanh nghiệp, nhà đầu tư có buổi tham quan thực địa tại cảng Liên Chiểu, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Khu Công viên phần mềm số 2. Tại buổi thăm quan, làm việc này, đại diện thành phố Đà Nẵng cũng đã giới thiệu chi tiết về dự án cảng Liên Chiểu và những cơ chế chính sách ưu đãi của Đà Nẵng.