19:05 22/03/2022

Đà Nẵng: Không cung cấp dịch vụ lưu trú khi thí điểm mô hình du lịch trên đất nông nghiệp

Thanh Xuân

Mô hình phải theo nguyên tắc có diện tích từ 3.000 m2 trở lên đối với đất nông nghiệp, bao gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt không cung cấp dịch vụ lưu trú, không để cơ sở hạ tầng trong mô hình thí điểm thành chỗ ở…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025. Cụ thể, tại huyện Hòa Vang sẽ có tối đa không quá 15 mô hình thí điểm. Mỗi tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện không quá một mô hình. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân là người địa phương và các mô hình kết hợp nhiều loại hình sản xuất.

Các loại đất được thực hiện mô hình thí điểm là đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất. Về nguyên tắc, mô hình thí điểm không thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng, không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất, rừng. Các hạng mục cơ sở vật chất trong mô hình thí điểm phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung.

Việc thực hiện mô hình thí điểm phải tuân theo nguyên tắc tỉ lệ tối thiểu 70% diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Mô hình thí điểm phải có diện tích từ 3.000 m2 trở lên đối với đất nông nghiệp bao gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, 10.000 m2 trở lên đối với đất rừng sản xuất.

Đặc biệt, mô hình thí điểm không được cung cấp dịch vụ lưu trú, không để cơ sở hạ tầng trong mô hình thí điểm thành chỗ ở, nơi thờ tự và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng.

Đề án quy định, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại đối với cơ sở vật chất trong mô hình thí điểm kể cả thiệt hại do thiên tai. Khi cơ quan có thẩm quyền đề nghị chấm dứt thí điểm, tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ và không được bồi thường thiệt hại về cơ sở vật chất.

Về các dịch vụ du lịch được triển khai thí điểm gồm dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ ăn uống và dịch vụ vui chơi, giải trí. Đối với nguồn vốn thực hiện các mô hình thí điểm sẽ do các tổ chức, cá nhân tham gia thí điểm tự bảo đảm, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Đà Nẵng yêu cầu UBND huyện Hoà Vang, quản lý việc sử dụng đất đai, rừng sản xuất của các tổ chức, cá nhân thực hiện mô hình thí điểm. Phân công bộ phận chuyên môn tiếp nhận, xử lý, thống nhất cho thực hiện mô hình thí điểm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện mô hình thí điểm được thống nhất theo quy định.

Thông tin từ UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây tại huyện Hòa Vang xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt mua bán đất nông nghiệp làm du lịch. Công an huyện Hòa Vang cũng đang điều tra đường dây cò mồi liên quan đến vấn đề này.

Ngoài ra, để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra, UBND TP. Đà Nẵng còn giao cho UBND huyện Hòa Vang triển khai thông báo, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết 82 của HĐND TP về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đặc biệt, UBND TP. Đà Nẵng cũng lưu ý các địa phương phải tuyệt đối tránh để người dân, cò đất và các đối tượng lợi dụng chủ trương của thành phố nhằm môi giới, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái quy định. 

Được biết, tại Đà Nẵng nhiều năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách ở nhiều địa phương, đồng thời là một trong những giải pháp giúp xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, theo các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng, giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp là cần tăng cường hoạt động phối hợp giữa các địa phương có thế mạnh về loại hình du lịch này với các nhà đầu tư, tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng.