08:47 02/05/2021

Đã truy vết 690 F1 và 1890 F2

Cơ quan chức năng đã truy vết tổng số 690 người tiếp xúc gần F1, trong đó Hà Nam: 521, Hà Nội: 73, Hưng Yên: 34, TP.HCM: 37, Thanh Hoá: 9, Ninh Bình: 3…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên quan đến bệnh nhân 2899 ở Hà Nam, Bộ Y tế cho biết đã có 15 người khác cũng nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, tới thời điểm này, Hà Nam có 10 ca nhiễm Covid-19, Hà Nội: 3, Hưng Yên: 2, TP.HCM: 1 ca .

Cơ quan chức năng đã truy vết tổng số 690 người tiếp xúc gần F1, trong đó Hà Nam: 521, Hà Nội: 73, Hưng Yên: 34, TP.HCM: 37, Thanh Hoá: 9, Ninh Bình: 3, Lào Cai: 1, Hoà Bình: 1, Thái Bình: 11. Các trường hợp F1 được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.

Tổng số F2 là 1.890 hiện đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Cũng theo số liệu của Bộ Y tế công bố, đã có 2.452 mẫu được xét nghiệm, trong đó Hà Nam: 1.926, Hà Nội: 73, Hưng Yên: 214, TP.HCM: 111, Thanh Hoá: 9, Ninh Bình: 3, Lào Cai: 1, Hoà Bình: 1, Thái Bình: 114.

1.569 mẫu có kết quả âm tính, 16 ca dương tính (gồm bệnh nhân 2899 và 15 người liên quan đã được Bộ Y tế công bố). 867 người đang chờ kết quả xét nghiệm.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn ra chiều 1/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cũng chỉ đạo ngành y tế cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm. Rà soát nhanh người thuộc diện F1, F2 và phải lấy mẫu nhanh những người này. Đối với các khu vực đang cách ly, phong tỏa phải thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe và các  điều kiện cần thiết cho người dân.

Tại Hưng Yên, cơ quan chức năng đã truy vết, lấy mẫu toàn bộ thôn Hoàng Xá, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ (nơi có 2 ca Covid-19 là bà và cháu). Còn tại Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng đề nghị truy vết phải tập trung cao độ, nhanh nhất, thần tốc nhất, đặc biệt không để bỏ sót. Công tác truy vết kết hợp của địa phương, của CDC, đặc biệt là công an để truy vết chính xác và nhanh nhất...

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin, chỉ 2 ngày F1 thành F0. Phải truy hết mốc dịch tễ xem các bệnh nhân đi đâu làm gì. Nếu chậm trễ giờ nào là nguy hiểm thêm.

Vì vậy, theo ông Dương, cần thực hiện theo hướng dẫn bài bản của Bộ Y tế, thực hiện triệt để nếu không sẽ rất phức tạp. Phải truy thần tốc tất cả các mẫu dịch tễ, tránh bỏ sót, nếu phát hiện F1 thì đưa ngay ra khỏi cộng đồng và lấy ngay mẫu xét nghiệm đơn, tuyệt đối không xét nghiệm mẫu gộp các trường hợp F1.