22:56 13/11/2015

Đại biểu “hết hồn” với bổn phận trẻ em trong dự luật

Nguyễn Lê

Dự luật quy định trẻ em có bổn phận bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Tổ quốc

Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nói đùa là nếu nâng độ tuổi trẻ em lên như dự thảo luật thì bệnh viện nhi phải thành lập khoa sản - Ảnh: NLĐ.<br>
Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nói đùa là nếu nâng độ tuổi trẻ em lên như dự thảo luật thì bệnh viện nhi phải thành lập khoa sản - Ảnh: NLĐ.<br>
“Đọc quy định về bổn phận trẻ em trong luật mà hết cả hồn, mừng quá vì đã qua tuổi trẻ em rồi”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan góp ý tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), sáng 13/11.

Quá cao xa

Dự thảo luật có 4 điều quy định bổn phận của trẻ em với gia đình, với nhà trường, cơ sở giáo dục và bạn bè, với cộng đồng, xã hội và với quê hương đất nước.

Theo đó, trẻ em có 17 bổn phận, từ có trách nhiệm với bản thân đến góp phần xây dựng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. 

Luật còn quy định trẻ em phải tôn trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đoàn kết, hợp tác với bạn bè quốc tế.

Bổn phận của trẻ em còn là thực hiện trật tự xã hội, an ninh công cộng, an toàn giao thông; giữ gìn của công, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên....

“Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ biết học hành là ngoan” vậy mà luật này quy định cao xa quá, không hiểu nổi”, đại biểu Phong Lan nhận xét.

“Luật mà dùng từ “bổn phận” thì kỳ quá”, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đồng tình.

Đại biểu Ánh và một số vị đại biểu khác cũng rất băn khoăn về quy định mọi trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi ở và thư tín.

“Quy định này không phù hợp ở Việt Nam, bố mẹ không kiểm soát thì có khi trẻ con đưa cả chuyện của bố mẹ lên Facebook thì chết”, đại biểu Ánh góp ý.

Quyền bất khả xâm phạm và quyền được bảo vệ được kết hợp như thế nào để không xung đột thì cần phải tính, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

“Hiện nay chăm sóc đã tệ hại rồi nhưng bảo vệ trẻ em là tệ hại nhất, trẻ em đi ăn xin nhan nhản, hai ba tuổi đã đi xin ăn”, đại biểu Võ Thị Dung khái quát.

Vì thế, theo bà Dung, điều quan trọng là dự thảo luật phải tập trung vào các quy định để bảo vệ đầy đủ các quyền của trẻ em.

Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ phải đi cùng với nhau, nhiều đại biểu thống nhất quan điểm.

Nên có một ủy ban quốc gia về trẻ em, đại biểu Nguyễn Phước Lộc và một số vị khác đề nghị.

“Lập khoa sản ở... viện nhi”

Dưới 16 hay dưới 18 tuổi là trẻ em là vấn đề được tranh luận rất sôi nổi.

Chính phủ đề xuất mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể là quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.

Theo lý lẽ của Chính phủ thì người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em.

Việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong tờ trình của Chính phủ. 

Nhiều vị đại biểu ở phiên thảo luận cũng đồng tình với quan điểm nâng độ tuổi lên sẽ bảo vệ lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tốt hơn.

Song, cũng còn nhiều băn khoăn về các quy định cụ thể. 

“Nếu chỉ vì để phù hợp với công ước của Liên hiệp quốc thì khó thuyết phục, cần làm rõ có bao nhiêu chính sách liên quan đến độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi”, đại biểu Nguyễn Phước Lộc góp ý.

"Chúng tôi vẫn nói đùa là nếu nâng độ tuổi trẻ em lên như dự thảo thì bệnh viện nhi phải thành lập khoa sản", Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.