11:54 30/10/2019

Đại biểu Quốc hội cảnh báo "khoảng tối" trong đầu tư công

Nguyên Vũ

Đại biểu Hoàng Quang Hàm - uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã cảnh báo về "khoảng tối" của đầu tư công

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại hội trường.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 30/10 của Quốc hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm, uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã cảnh báo về "khoảng tối" của đầu tư công.

Tán thành nhận định của Chính phủ về kết quả kinh tế - xã hội năm 2019, song theo đại biểu Hàm có ba vấn đề cần quan tâm và đánh giá sâu sắc hơn, trong đó có giải ngân đầu tư công.

Vẫn chưa hoá rồng, hoá hổ

Vấn đề thứ nhất ông Hàm nhấn mạnh là kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ.

Để tìm được căn nguyên, đại biểu Hàm cho rằng cần nhìn lại cả quá trình phát triển.

Ông Hàm phân tích, cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000.

Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 18 khoảng 8.400). 

Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.

30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… hóa rồng, hóa hổ nhưng 30 năm qua, Việt Nam tăng trưởng nhanh mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. "Số liệu cho thấy, chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế. Nguy cơ này Đảng đã chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi. Đồng thời, nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình", ông Hàm nhận định.

Vấn đề thứ hai được vị đại biểu Phú Thọ đề cập là đời sống của nhân dân, thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa cùng với tốc độ tăng trưởng; cần có chỉ tiêu pháp lệnh để nhận rõ vấn đề này.

Cụ thể hơn, ông Hàm nói: hiện nay, độ mở của nền kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 200% GDP, xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI vì các doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu, phần hưởng lợi đó được tính trong tổng GDP của Việt Nam nên cần phải loại trừ yếu tố này mới nhìn nhận phù hợp thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

"Đây không phải là bất cập, đất nước đi lên từ gian khó chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để phát triển, việc thu hút FDI một cách chọn lọc là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa) như trước đây cần giao thêm chỉ tiêu GNI "thu nhập quốc dân" để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân", ông Hàm thể hiện quan điểm.

Có quy định nhưng chưa bao giờ thực hiện

Vấn đề thứ ba được đại biểu Hàm nêu là giải ngân vốn đầu tư công chậm, có tiền không tiêu được, xu hướng gia tăng, năm sau chậm hơn năm trước. Năm 2018 thấp nhất so với 6 năm về trước. 9 tháng đầu năm 2019 giải ngân còn thấp hơn so với cùng kỳ 2018, đạt 49% kế hoạch, trái phiếu Chính phủ đạt 23%; vay nước ngoài 18,8%, kết quả này được ông Hàm nhấn mạnh là quá thấp.

Trong vấn đề này, theo đại biểu, đầu tiên là phải khắc phục yếu kém trong công tác lập, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư.

Luật đầu tư công cũ và mới đều quy định khi trình Quốc hội phải có danh mục mức vốn cho từng dự án nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Việc thiếu danh mục mức vốn cho thấy đến tháng 10 của năm trước năm kế hoạch chưa biết sẽ phân bổ cho dự án nào, bao nhiêu tiền đương nhiên sẽ chậm trễ trong phân bổ, giao vốn và tất yếu dẫn đến giải ngân vốn chậm. Đồng thời tạo một khoảng tối, không minh bạch trong phương án trình, thiếu căn cứ để Quốc hội thảo luận, ông Hàm cảnh báo.

Bất cập tiếp theo được đại biểu Hàm nêu rõ là nhiều công trình thiếu vốn trong khi nhiều công trình không giải ngân hết kế hoạch vốn cho thấy lập kế hoạch không sát, không theo dõi, tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đặc biệt lãng phí khi vốn ODA không giải ngân được, không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết.

Đại biểu Hàm nhấn mạnh, cải thiện công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là cốt lõi để khắc phục giải ngân vốn chậm. Trình danh mục và mức vốn của từng dự án là luật định và cần thiết để Quốc hội thảo luận, quyết nghị định hướng, nguyên tắc, giao cho Chính phủ rà soát, quyết định nên Chính phủ cần quan tâm thực hiện ít nhất là đối với vốn ngân sách Trung ương. Vẫn là Chính phủ quyết định nhưng phải trình để Quốc hội thảo luận, ông Hàm đề nghị.