16:32 26/11/2013

Đại biểu Quốc hội muốn tăng chế tài bảo vệ môi trường

Hoài Ngân

Chính các đại biểu - doanh nhân lại rất quan tâm đến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm.<br>
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm.<br>
Thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng chế tài để tăng hiệu quả của luật trong thực tiễn. Đáng chú ý, là chính các đại biểu - doanh nhân lại rất quan tâm đến dự thảo luật này.

Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Tâm cho rằng trong bối cảnh mới, dự thảo luật cần “nghiên cứu kỹ lưỡng, thiết kế lại theo hướng có một chương hoặc một số điều về ứng phó với biến đổi khí hậu, vì đây là một nội dung quan trọng mà chúng ta ai cũng được biết về những thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên”.

Một nội dung khác được đại biểu quan tâm là về đánh giá môi trường chiến lược. Theo bà Tâm, cần rà soát, bổ sung cho đúng và đầy đủ các loại chiến lược, quy hoạch phải lập đánh giá môi trường chiến lược, cân nhắc cẩn trọng việc loại bỏ quy định phải lập đánh giá môi trường chiến lược đối với các kế hoạch bởi vì có nhiều loại kế hoạch tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường.

Về đánh giá tác động môi trường, dự thảo luật đã bổ sung quy định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định là phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư.

“Như vậy, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án này phải được tiến hành hai bước là đánh giá tác động môi trường sơ bộ và đánh giá tác động môi trường. Tại kỳ họp này chúng ta đã nghe Chính phủ và Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đã báo cáo về kết quả rà soát các dự án thủy điện, sau đó hàng trăm dự án thủy điện đã bị loại bỏ. Nếu được đánh giá theo hai giai đoạn như vậy sẽ giảm được tốn kém cho doanh nghiệp, người dân và xã hội; đồng thời các dự án thực hiện cũng căn cơ hơn, hiệu quả hơn”, bà Tâm phân tích.

Theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), thực tiễn qua tổng kết thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 8 năm qua đã chỉ rõ yếu kém là việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn phân tán, chồng chéo, chưa hợp lý; trách nhiệm quản lý nhà nước, bộ, ngành, địa phương chưa phân định rõ, còn xung đột.

“Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tôi đề nghị quy định nhất quán về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ bộ, ngành Trung ương đến ủy ban các cấp không thể nửa vời ở Trung ương là bộ trưởng, ở địa phương là ủy ban nhân dân từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch”, ông Vở nói.

Đồng tình với đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm trong vấn đề quy hoạch thủy điện, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch thủy điện tràn lan liên quan đến sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, vườn quốc gia nhưng đùn đẩy trách nhiệm giữa bộ, ngành và địa phương như vừa qua.

Ông cũng cho rằng luật cần làm rõ trách nhiệm, bộ, ngành liên quan đến ủy ban nhân dân các địa phương trong quá trình phân bổ nguồn lực đầu tư trong trung hạn thay cho hàng năm như dự án luật đã xác định. “Đây chính là điều kiện khắc phục có hiệu quả tình trạng dàn trải, thiếu trọng điểm và nhất là xóa cơ chế xin cho làm phân tán nguồn lực từ ngân sách nhà nước”, ông nói.

Ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) về dự thảo luật cũng giành được sự chú ý đặc biệt của các đại biểu vì ông không chỉ là một doanh nhân mà còn là doanh nhân hoạt động trong một lĩnh vực khá nhạy cảm với vấn đề môi trường là sản xuất bia.

Theo ông Vẻ, trong quản lý môi trường hiện đại sự phối hợp hành động của 3 chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, thiếu 1 trong 3 chủ thể này thì khó có thể giải quyết được vấn đề môi trường.

“Vấn đề xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường phải được luật hóa trong Luật bảo vệ môi trường để tránh sự ứng xử tùy tiện và cảm tính của các cơ quan có thẩm quyền. Cần bổ sung thêm điều, khoản về vấn đề xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó quy định rõ cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự có quyền tham gia và chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho người dân và các tổ chức xã hội dân sự”, ông Vẻ nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho rằng sau 8 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2005, nhận thấy việc áp dụng cam kết bảo vệ môi trường không hiệu quả là một thực tế, có trường hợp dự án đáng ra phải lập đánh giá môi trường chiến lược thì cuối cùng chỉ phải làm cam kết bảo vệ môi trường.

“Việc phân cấp cho cấp huyện thẩm định cấp đăng ký trong bối cảnh phòng tài nguyên, môi trường có chức năng song không có cán bộ môi trường chuyên ngành, chủ yếu là cán bộ địa chính, thời gian để thẩm định, để xác nhận bản cam kết quá ngắn, chỉ có 5 ngày trong khi các thiết bị đo đạc, các chuyên gia không có dẫn đến làm hình thức để có thủ tục”, ông phân tích.

Ông cũng nhấn mạnh rằng kinh nghiệm của thế giới cho thấy ngoài việc sử dụng các biện pháp, chế tài mạnh như đóng cửa nhà máy, phạt hoặc truy tố các tội phạm về môi trường thì các biện pháp khuyến khích bằng kinh tế để các doanh nghiệp tự động hạn chế thải chất gây ô nhiễm môi trường có hiệu quả cao, các công cụ kinh tế môi trường như phí, thuế, giấy phép xả thải, nhãn môi trường... cần được đưa vào hoạt động một cách cụ thể hơn.