19:35 20/12/2021

Đại học quốc gia Hà Nội quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2021 - 2025

Thanh Xuân

Theo quy hoạch đến năm 2025, trường sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sỹ và 155 chương trình đào tạo tiến sỹ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ban hành danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 để giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo, mở thêm nhiều ngành học mới...

Thông tin từ Trường đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo sẽ giúp giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo, tránh nguy cơ đầu tư dàn trải, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực. Mặt khác cũng giúp trường tìm tòi, phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm, độc đáo, tiên phong hơn trong thời gian tới.

Theo quy hoạch, đến năm 2025, trường sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sỹ và 155 chương trình đào tạo tiến sỹ. Nếu so với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ 118 ngành và bậc tiến sỹ 55 ngành.

Ngoài ra, trường cũng đang và dự kiến đào tạo các ngành học mới như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số. Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỷ lệ lớn trong thời gian tới.

Trong thời gian tới nhà trường sẽ không chỉ thay đổi về danh mục các ngành nghề mà kéo theo là thay đổi cấu trúc chương trình, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, cũng như nền tảng kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra. Điều này cũng sẽ kéo theo cả sự đổi mới nội dung và phương thức tuyển sinh đầu vào.

Liên quan đến cơ sở giáo dục này, tại buổi họp của ban lãnh đạo trường về kế hoạch đưa sinh viên vào học tại cơ sở Hòa Lạc mới diễn ra hồi cuối tháng 10/2021, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân đã thông tin, trong năm học tới, trường sẽ đưa sinh viên một số ngành kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội và kinh tế, luật học tập tập trung tại cơ sở Hòa Lạc. Những năm tiếp theo, trường sẽ căn cứ vào diện tích xây mới thực tế để tăng quy mô đào tạo tại Hòa Lạc nhằm giảm sự quá tải tại nội thành Hà Nội.    

Hiện nay, các tòa nhà HT1, HT2 thuộc zone 4 của Đại học Khoa học Tự nhiên, khu Ký túc xá số 4 tại Láng Hoà Lạc đã sẵn sàng tiếp nhận gần 4.000 sinh viên học tập và sinh sống với môi trường đại học hiện đại, tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy các đơn vị, lãnh đạo phòng ban liên quan cần nhanh chóng phối hợp chặt chẽ để triển khai công tác trường học hiệu quả và chất lượng.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhấn mạnh, mục tiêu phấn đấu từ năm 2022 đến 2025 sẽ chuyển dần công tác điều hành, công tác dạy và học, nghiên cứu của trường lên Hòa Lạc. Đến năm 2025, cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc sẽ được hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác phục vụ đào tạo, nghiên cứu cho 15.000 sinh viên.

Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với mục tiêu chính xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Dự án này bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 65.000 học sinh, sinh viên; diện tích sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, trong đó khu các dự án thành phần Đại học Quốc gia Hà Nội là 887,9 ha; khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp là 112,1 ha; khu tái định cư là 113,7 ha.