11:03 29/05/2014

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ trả lời kênh CNN về biển Đông

An Huy

“Trung Quốc đang cố gắng biến một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Và đó là việc không thể chấp nhận được”

“Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm của người 
Việt Nam bảo vệ chủ quyền và các quyền của mình”, Đại sứ Nguyễn Quốc 
Cường nói.
“Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm của người Việt Nam bảo vệ chủ quyền và các quyền của mình”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Christiane Amanpour của đài CNN ngày 28/5 theo giờ Washington, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường nói rằng, Trung Quốc đang tìm cách “tạo ra thực tế mới” trên biển Đông. Ông cũng bác bỏ các luận điệu sai trái của Bắc Kinh về những gì đang diễn ra.

Tại cuộc phỏng vấn diễn ra ở trụ sở của CNN ở Washington DC, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Trung Quốc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.

“Trung Quốc đang cố gắng biến một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Và đó là việc không thể chấp nhận được”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói.

Khi trả lời phỏng vấn phóng viên Amanpour vào tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đưa ra ba “thực tế” (facts) về biển Đông. Những “thực tế” này bao gồm: thứ nhất, giàn khoan của Trung Quốc hoạt động cách 17 hải lý từ “một hòn đảo của Trung Quốc” và cách bờ biển Việt Nam 150 dặm; thứ hai, Trung Quốc chỉ có một giàn khoan trong khu vực không có tranh chấp, trong khi Việt Nam có 30 giàn khoan hoạt động ở khu vực có tranh chấp; và thứ ba, Trung Quốc chỉ có tàu dân sự và tàu công vụ ở hiện trường, trong khi Việt Nam có tàu quân sự và tàu có vũ trang.

“Chúng tôi không muốn chứng kiến xung đột trong khu vực. Nhưng điều này không phụ thuộc hoàn toàn vào chúng tôi. Nước khác cũng phải có quan điểm và chính sách mang tính xây dựng mới được”, ông Thôi Thiên Khải nói.

Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã bác bỏ luận điệu trên của Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc đang tìm cách tạo ra thực tế mới, thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này là không thể chấp nhận được.

“Chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc phản ứng một cách hòa bình, nhưng cương quyết”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói.

Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam đã được tiến hành hàng thập kỷ nay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều công ty nước ngoài đã tham gia vào các dự án này; nếu các dự án này trong khu vực tranh chấp thì chắc chắn các doanh nghiệp nước ngoài đã không tham gia như vậy. Về phía Trung Quốc, năm 2012, nước này đã tiến hành mời thầu quốc tế các lô dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia.

Trong buổi phỏng vấn, phóng viên Amanpour đã bày tỏ lo ngại về vụ việc giàn khoan Trung Quốc và gần đây là việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Bà Amanpour cho rằng Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng nhỏ hơn, từ Nhật Bản, Phillipines cho đến Việt Nam. Thái độ này của Trung Quốc được thể hiện trong phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2010 với người đồng cấp Singapore rằng: “Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ. Và đó là một sự thật”.

“Đây là một lập luận vô lý”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói. Theo quan điểm của Đại sứ Việt Nam, trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều bình đẳng, không có chuyện nước lớn - nước nhỏ.

“Chúng tôi không thể chấp nhận sự cưỡng ép, chúng tôi không thể chấp nhận sự đe dọa. Và khi vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trở thành mối lo ngại, người dân Việt Nam rất quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường tuyên bố.