Đái tháo đường có xu hướng trẻ hóa, chuyên gia chỉ cách ăn uống hợp lý
Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% (năm 2010) lên 19,0% (năm 2020), đồng thời Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040…
Ngày 24/7, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là về chính sách thuế. Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, cho biết cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm, như: thừa cân, béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, cho biết người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1 - 2 lon/ngày hoặc nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống các loại thức uống này. Tiêu thụ đồ uống có đường có thể liên quan đến 9,3% tỉ lệ mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán… Do đó, chúng ta nên ưu tiên sử dụng đường trong thực phẩm tự nhiên, thực phẩm lành mạnh, hạn chế các thực phẩm nhiều đường, muối… Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Theo bà Mai, người dân có thể giảm đường tiêu thụ bằng cách sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn...) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan...), bánh kẹo ngọt, mứt, si rô...
"Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng. Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ", bà Mai nêu.
Cùng với đó, theo TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, cho hay nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng nhóm chính sách về tài chính, ghi nhãn dinh dưỡng hàm lượng đường và cảnh báo sức khỏe, hạn chế quảng cáo, giảm tính sẵn có để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, sử dụng thực phẩm lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó là nhóm chính sách truyền thông thay đổi hành vi về chế độ ăn uống lành mạnh, giáo dục dinh dưỡng… Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng với các sản phẩm nhiều đường được trẻ em tiêu thụ thường xuyên cần phải cho vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Trước đó, hội nghị Khoa học về bệnh Nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ XII cũng đã khai mạc tại thành phố Đà Nẵng. Đây là tiền đề nhằm khởi động cho sự kiện Hội nghị khoa học của Liên đoàn Nội tiết Đông Nam Á lần thứ 23 vào năm 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Diễn ra trong 3 ngày, từ 19 - 21/7, Hội nghị tổ chức 38 phiên báo cáo và 7 phiên Hội thảo vệ tinh xoay quanh chủ đề “Công nghệ mới và bệnh Nội tiết, Đái tháo đường – Rối loạn chuyển hóa”.
Tham dự hội nghị, bác sĩ Tng Eng Loon, chuyên khoa nội tiết, tiểu đường bệnh viện Raffles Singapore, thành viên của Đại học Bác sĩ Hoàng gia Anh, cho biết có nhiều nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường gia tăng do ảnh hưởng từ đô thị hóa, mức sống cải thiện khiến nhiều người có thói quen sống kém lành mạnh, chế độ ăn tăng mỡ, giảm rau, ít vận động...
Khảo sát của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy 70% người trưởng thành không tham gia các hoạt động thể chất mạnh. Nhân viên văn phòng chỉ đi bộ trung bình 600 bước mỗi ngày. Xu hướng này thể hiện rõ qua tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đường ở thành thị cao hơn so với ở nông thôn.
Thói quen ăn uống của người Việt cũng trở nên kém lành mạnh hơn trong những năm gần đây. “Chế độ ăn truyền thống của người Việt thường ít chất béo và nhiều rau. Tuy nhiên do sự du nhập văn hóa phương Tây và nhiều lý do khác, người Việt Nam ngày càng tiêu thụ nhiều chất béo và ít rau hơn trong chế độ ăn uống. Từ năm 1985 - 2010, mức tiêu thụ thịt và gia cầm trung bình của người Việt tăng từ 11 lên 84 gram bình quân đầu người mỗi ngày. Ngược lại, mức tiêu thụ rau trung bình đã giảm từ 214 gram xuống còn 190 gram,” bác sỹ Tng Eng Loon dẫn số liệu của Bộ Y tế.
Cũng theo bác sỹ này, tiểu đường phổ biến ở nam giới hơn ở nữ giới. Ước tính toàn cầu có 17,7 triệu nam giới mắc bệnh tiểu đường. Điều này cũng thể hiện rõ trong khảo sát STEPs tại Việt Nam. Những khác biệt này có thể do tình trạng kháng insulin nhiều hơn và lượng mỡ bụng cao hơn ở nam giới. Ngoài ra, nồng độ testosterone ở nam giới cao hơn cũng là một trong những yếu tố. Với phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thường đến từ bệnh tim mạch. Họ có tỷ lệ tử vong cao hơn so với nam giới mắc bệnh tiểu đường.
Bác sỹ Tng Eng Loon tư vấn, bệnh tiểu đường có thể được ngăn ngừa bằng chế độ ăn uống cân bằng, nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Đồng thời, bạn cũng nên tránh thêm đường tinh luyện và chất béo không lành mạnh khi nấu nướng. “Mô hình "đĩa thức ăn lành mạnh" là một gợi ý nếu bạn muốn có chế độ ăn uống cân bằng. Một nửa đĩa nên gồm rau và trái cây, một phần tư là các loại carbohydrate lành mạnh như gạo lứt, bánh mì nguyên cám hoặc mì làm từ gạo lứt. Một phần tư còn lại là các loại protein nạc từ cá, đậu phụ, trứng, hoặc thịt...” bác sỹ Tng Eng Loon nói.
Về chế độ sinh hoạt, vận động, mỗi người nên tập thể dục cường độ vừa phải, ít nhất 150 phút mỗi tuần. Trong tuần nên có 1 - 2 ngày rèn luyện với cường độ mạnh. Chế độ này đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng, cho thấy hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Một số ví dụ về các bài tập cường độ vừa phải là đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, đi bộ đường dài và làm việc nhà. Nên cố gắng bỏ hút thuốc. Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm và tránh uống nhiều bia rượu.
Theo Bộ Y tế, đái tháo đường type 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em. Hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng. Trong số đã biến chứng, 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận. Trong số người từ 30 - 69 tuổi, tỷ lệ mắc đái tháo đường là 2,7% vào năm 2002, nhưng đến năm 2020 tỷ lệ này đã tăng lên 7,3%.