10:27 31/07/2023

Đắk Lắk: Linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nhật Dương

Triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn đầy đủ chế độ, quyền lợi của người lao động khi hưởng trợ cấp, đảm bảo kịp thời, đẩy đủ quyền lợi cho người lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 6.000 người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo trợ cấp thất nghiệp.

CHI TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP 90 TỶ ĐỒNG

Trong tổng số 6.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp có 4.200 người là lao động làm việc ở các tỉnh khác; 1.800 người là lao động tại địa phương. Trung tâm đã ban hành 5.700 quyết định hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (bao gồm lũy kế số người đã tiếp nhận hồ sơ trong năm 2022 và được ban hành quyết định hưởng trong năm 2023), với số tiền chi trả là 90 tỷ đồng.

Tất cả người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp tại Trung tâm đều được tư vấn việc làm, tư vấn học nghề theo quy định.

Cùng với đó, Trung tâm còn phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề nhằm đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, giúp người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và giới thiệu người lao động có nhu cầu tham gia học nghề tại các cơ sở trên địa bàn của tỉnh được kịp thời, hưởng các chế độ đầy đủ.

Trong 6 tháng đầu năm, đã cung cấp thông tin về chế độ chính sách và tư vấn học nghề đối 6.000 người; hỗ trợ học nghề cho 96 người, với số tiền 582 triệu đồng.

Mặc dù vậy, quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn gặp một số khó khăn, như nhận thức của người lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, không ít lao động chưa hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong khai báo không đúng thực tế thông tin tìm kiếm việc làm; chưa mạnh dạn đăng ký tham gia học nghề...

Trước tình trạng số lượng lao động nộp hồ sơ tăng trong nửa đầu năm tăng đột biến, Trung tâm đã xây dựng phương án tiếp nhận hồ sơ và giải quyết kịp thời chế độ của người lao động, không để tình trạng người lao động phải chờ đợi và xảy ra sai sót trong quá trình giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp.

Theo ông Trần Xuân Đa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, cùng với tăng cường hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống để đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn việc làm, học nghề phù hợp, Trung tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

TĂNG KẾT NỐI TẠO VIỆC LÀM

Song song với việc giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, công tác giải quyết việc làm cũng luôn được đẩy mạnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm hiệu quả.

Thông tin thị trường lao động đã được Trung tâm triển khai phổ biến ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh, giúp người lao động tiếp cận được các thông tin chính thống trong lĩnh vực lao động, việc làm, xuất khẩu lao động.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho khoảng 14.000 lượt người lao động; giới thiệu việc làm cho 4.000 lượt người; tổ chức 25 -30 Phiên giao dịch việc và ngày hội việc làm…

Đồng thời, thực hiện cải cách thủ tục và áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ thủ tục cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp người lao động rút ngắn thời gian giải quyết, đáp ứng yêu cầu và tạo thuận lợi cho người lao động thất nghiệp.

Nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra, Trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng với các chuyên đề riêng tại các địa phương nhằm đưa thông tin gần nhất đến người lao động, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lao động tại các địa phương.

Công tác tuyên truyền, tư vấn cho lao động có nhu cầu học nghề, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong công tác đào tạo nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để họ chuyển đổi nghề nghiệp và quay trở lại thị trường lao động cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.

Ngoài ra, công tác thu thập thông tin về thị trường lao động cũng sẽ được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng như, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận đăng ký tuyển dụng lao động thông qua website, facebook, email; gửi công văn đến các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin hồ sơ lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đăng ký tuyển dụng.