Đảm bảo an toàn khi có F1 làm việc trong nhà máy
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố đã có một số quy định về quản lý F0, F1 thoáng hơn so với thời gian trước đây. Tại TP.HCM, các F1 tại doanh nghiệp có độ bao phủ vaccine từ 80% trở lên sẽ được đi làm ngay...
Đề xuất cho F0, F1 đi làm của Bộ Y tế nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM trong bối cảnh ca mắc Covid-19 đang tăng cao khiến nguồn lao động bị thiếu hụt. Nhưng với những doanh nghiệp sản xuất đặc thù thì họ vẫn phải cân nhắc kỹ về các yếu tố an toàn phòng dịch và khả năng đáp ứng chuyên môn của lao động.
NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐÃ CHO F1 ĐI LÀM
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã sớm thí điểm cho phép F1 tại cả khối nhà máy và khối văn phòng đi làm trực tiếp. Theo đó, tất cả nhân viên phải tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang khi làm việc, nhà ăn có vách ngăn. Nếu nhân viên thấy có triệu chứng thì công ty sẽ phát kit test nhanh để kiểm tra trước khi vào vị trí làm việc.
Hiện tại, Công ty sản xuất giày dép Phú Xuân Thịnh đang tích cực làm việc để đáp ứng mục tiêu sản xuất hơn 600.000 mẫu giày dép xuất khẩu châu Âu từ nay đến cuối năm. Trong các dây chuyền sản xuất, mỗi khi có một công nhân trở thành F1, sẽ được nhà máy xét nghiệm nhanh, nếu có kết quả âm tính thì tiếp tục được đi làm.
Các công nhân F1 cũng tự theo dõi sức khỏe hàng ngày trong vòng 7 ngày, công ty bố trí một khu vực làm việc riêng, thậm chí có lối đi và khu vực ngồi ăn riêng để đảm bảo an toàn phòng dịch trong phân xưởng. "Bây giờ 1 người trong vai trò chính của dây chuyền sản xuất mà họ nghỉ là đứt gãy hệ thống sản xuất của mình, ngưng một ngày thì chi phí phát sinh điện, nước, mình phải thanh toán phần đó," ông Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc Công ty Phú Xuân Thịnh, cho biết.
Tương tự, hơn 3 tháng qua, Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) với hơn 4.400 người đã bố trí lao động là F1 đi làm bình thường. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty, cho biết: “Trước đây, có thời điểm cả xưởng sản xuất không có người làm vì F0, F1 nghỉ hết. Công ty tốn rất nhiều chi phí khi vừa trả ít nhất 70% lương cho công nhân nghỉ lại không có người làm, nhiều đơn hàng rất gấp”.
“Trước tình thế đó, nhà máy phải thay đổi phương án để F1 được đi làm. Nếu công nhân bị xác định là F1 do tiếp xúc gần F0 ở nhà máy, có đeo khẩu trang, đã tiêm ít nhất hai mũi vaccine vẫn được đi làm. Trường hợp nguy cơ cao hơn được xét nghiệm nhanh và theo dõi sức khỏe. Chỉ những F1 chung nhà với F0, không thể cách ly mới phải tạm nghỉ việc,” ông Tuấn nói. "Nhờ cách này, hoạt động sản xuất của công ty được đảm bảo, đặc biệt trong lúc nguồn lao động thiếu hụt”.
Còn tại Công ty CP In số 7 (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn cho công nhân là F1 làm việc trực tiếp với điều kiện tuân thủ các điều kiện phòng dịch. Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn cho biết, công ty bố trí khu vực dành riêng cho F0, F1 để người lao động ở lại ngay trong doanh nghiệp. “Nhiều công nhân là F0, F1 lo ngại về nhà trọ sẽ lây cho người thân, do đó Công đoàn và Đoàn Thanh niên công ty đề xuất thực hiện chương trình cách ly tại doanh nghiệp. Công ty còn ký hợp đồng với một phòng khám đa khoa quốc tế để thăm khám và tư vấn cho người lao động”.
Theo Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, gần như tất cả doanh nghiệp tại TP.HCM, tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 85%. Do đó, hầu hết người lao động là F1 trên địa bàn đã có thể đi làm ngay. Tất nhiên, các đối tượng phải tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, đặc biệt là khẩu trang, khử khuẩn. Tính đến thời điểm hiện tại, người lao động là F0 trên địa bàn vẫn cần tuân thủ tuyệt đối quy định của Bộ Y tế về việc cách ly từ 7 đến 14 ngày.
ÁP LỰC ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG DỊCH
Ngày 5/3, Bộ Y tế đã có ý kiến đề xuất Thủ tướng xem xét về việc cho người nhiễm virus SARS-CoV-2 (F0) và trường hợp tiếp xúc gần (F1) được đi làm trong thời gian cách ly với những điều kiện khá chặt chẽ. Ngay sau đó, ngày 8/3, Long An trở thành tỉnh đầu tiên ban hành văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tuy vậy, sau 10 ngày kể từ khi Long An có văn bản chính thức cho F0, F1 đi làm, nhiều doanh nghiệp hưởng ứng nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp còn e ngại khi tổ chức cho F0, F1 trong thời gian cách ly được “tái hòa nhập cộng đồng”, đặc biệt là nỗi lo lây lan dịch bệnh dẫn tới hậu quả khó kiểm soát.
Ông Phạm Ngọc Huynh, Giám đốc nhân sự Công TNHH giày Chinglul Bến Lức, cho biết công ty có trên 21 nghìn lao động, hiện đang rà soát, thống kê số lượng F0, F1 nhiều hay ít để có hướng xử lý phù hợp. "Công ty cũng đang cân nhắc, khi F0, F1 vào làm việc liệu có ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động hiện tại. Do đó, hiện tại công ty chưa thể áp dụng ngay chủ trương này mà phải xem xét cụ thể, sau đó mới đưa ra quyết định. Sớm nhất cũng phải tháng sau,” ông Huynh cho hay.
Tại Công ty Công ty TNHH JIA HSIN, Khu Công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước, với hơn 5.000 công nhân, việc rà soát định kỳ về Covid-19 vẫn tiếp tục thực hiện chặt chẽ. Đại diện doanh nghiệp cho hay, việc được tự quyết định cho F0, F1 làm việc đối với một số tình huống sẽ giúp doanh nghiệp chủ động rất nhiều trong hoạt động sản xuất. “Dù thời điểm này, doanh nghiệp không có F0 nhiều nhưng chúng tôi cũng đắn đo. Đồng ý là bố trí làm riêng, ăn riêng, khu vệ sinh riêng nhưng chắc chắc tâm lý người khỏe mạnh vẫn cảm thấy e dè,” Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc nhân sự của công ty chia sẻ.
Mặc dù đề xuất cho F1 đi làm là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo trong trường hợp đề xuất được chấp thuận thì việc tổ chức cho F1 làm việc trực tiếp trở lại do chính doanh nghiệp quyết định và phải có biện pháp linh hoạt. Chẳng hạn, với vùng dịch có số lượng F1 cao, doanh nghiệp có thể xem xét cho đi làm. Còn ở nơi ít ca nhiễm, bảo đảm nhân lực thì nên để F1 làm trực tuyến nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo ông Trương Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), đề xuất của Bộ Y tế có thể là giải pháp tình thế giải tỏa áp lực cho nhiều doanh nghiệp sản xuất thiếu hụt nhân sự. Tuy nhiên với các doanh nghiệp đặc thù cần một môi trường an toàn dịch tễ hay cần lao động có năng lực chuyên môn cao thì việc áp dụng phương án trên phải cân nhắc kỹ.
“Với doanh nghiệp thủy hải sản nói chung và Thủy hải sản Sài Gòn nói riêng thì việc đảm bảo an toàn là rất quan trọng. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều hoạt động trong môi trường lạnh nên mức độ lây nhiễm của virus là rất lớn, không chỉ đối với lực lượng lao động mà ảnh hưởng cả độ an toàn của sản phẩm. Vì vậy chúng tôi vẫn quyết định xét nghiệm liên tục, cho các ca nhiễm nghỉ theo quy định và hưởng chế độ như trước đây,” ông Dũng cho biết.
Ngày 16/3, tỉnh Cà Mau là địa phương tiếp theo chính thức cho phép F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 nguy cơ cao đi làm bình thường, trên tinh thần tự nguyện và giữ nguyên tắc không tiếp xúc với người khác. Cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ người lao động xét nghiệm 2 lần/tuần, bố trí sản xuất kinh doanh khoa học, hợp lý...