Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều vừa nối lại đã đổ vỡ
Cuộc đàm phán cấp công tác về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã đổ vỡ ngay khi được nối lại ở Thụy Điển
Cuộc đàm phán cấp công tác về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã đổ vỡ ngay khi được nối lại ở Thụy Điển vào cuối tuần vừa rồi. Tuy nhiên, phía Mỹ đã nhận lời đề nghị của Thụy Điển quay lại đàm phán sau 2 tuần nữa.
Theo tin từ Reuters, sau khoảng 8 giờ rưỡi đàm phán, cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên ở Stockholm vào hôm thứ Bảy kết thúc mà không mang lại kết quả gì. Trước đó, cuộc gặp được kỳ vọng sẽ chấm dứt thế bế tắc kéo dài nhiều tháng qua giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Nhà đàm phán hạt nhân cấp cao nhất của Triều Tiên, ông Kim Myong Gil, đổ lỗi cho sự thiếu linh hoạt của Mỹ gây ra thất bại nói trên. Theo ông Kim, các quan chức Mỹ "không chịu từ bỏ quan điểm và thái độ cũ kỹ của họ".
"Vòng đàm phán không đáp ứng được các kỳ vọng của chúng tôi và cuối cùng đã đổ vỡ", ông Kim nói với các nhà báo có mặt bên ngoài đại sứ quán Triều Tiên ở Stockholm.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng những tuyên bố của Triều Tiên không phản ánh "nội dung hay tinh thần của cuộc gặp", đồng thời cho biết Washington đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển để quay lại Stockholm đàm phán với các quan chức Triều Tiên sau 2 tuần nữa.
"Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và có cuộc thảo luận tốt đẹp với các đối tác Triều Tiên", phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Mỹ nói. "Mỹ và Triều Tiên sẽ không thể vượt qua di sản 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên chỉ trong một ngày thứ Bảy. Có nhiều vấn đề quan trọng, đòi hỏi cam kết manh mẽ từ cả hai phía. Mỹ có cam kết như vậy".
Đại sứ Kim của Triều Tiên bác bỏ những tuyên bố này của Mỹ.
"Phía Mỹ đã làm dấy lên những kỳ vọng bằng cách phát tín hiệu rằng họ sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận linh hoạt, phương pháp mới và giải pháp sáng tạo. Nhưng rốt cục, họ khiến chúng tôi rất thất vọng và làm chúng tôi mất hứng đàm phán vì họ chẳng mang gì tới bàn đàm phán cả", ông Kim nói.
Hiện chưa rõ Triều Tiên có quay lại đàm phán sau 2 tuần nữa hay không. Một bản tin ngày Chủ nhật của thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nói quả bóng hiện đang ở trong sân của Mỹ, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ chỉ đợi đến hết năm nay để Mỹ thay đổi quan điểm.
"Chúng tôi không có ý định tham gia vào cuộc đàm phán tồi tệ như lần vừa rồi ở Thụy Điển nếu Mỹ còn chưa có bước đi quan trọng rút lại hoàn toàn và không thể đảo ngược chính sách thù địch đối với Triều Tiên", bản tin viết.
Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể tiếp tục sử dụng chiến thuật gây bấp bênh trong đàm pháp để ép Mỹ nhượng bộ. "Họ muốn tạo ra ấn tượng rằng chính sự thiếu linh hoạt của Mỹ là nguyên nhân gây ra tình trạng bế tắc. họ có thể sẽ buộc Mỹ phải quay lại với một lập trường đàm phán có lợi hơn cho họ, hoặc Tổng thống Donald Trump phải gặp thượng đỉnh để duy trì ngoại giao", ông Mintaro Oba, một cựu quan chức Mỹ phụ trách vấn đề bán đảo Triều Tiên, nhận xét.
Cuộc gặp quan chức Mỹ-Triều diễn ra tại một trung tâm hội nghị nằm ở ngoại ô Stockholm là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai bên kể từ khi ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên có cuộc gặp lịch sử ở biên giới Hàn-Triều hồi cuối tháng 6. Tại cuộc gặp ở biên giới hai miền bán đảo Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại đàm phán kể từ khi cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều rơi vào bế tắc sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng 2.
Từ tháng 6, giới chức Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Nhưng tuần trước, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố đồng ý đàm phán.
Theo các chuyên gia, lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều đang đứng trước sức ép phải đi đến một thỏa thuận, nhưng có vẻ hai bên còn chưa đi đến một lập trường chung sau nhiều tháng bế tắc.
Chỉ vài ngày sau khi nhận lời nối lại đàm phán, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo mới được chế tạo để phóng từ tàu ngầm. Vụ phóng này được xem là một hành động nhằm cảnh báo Washington về sự cần thiết phải đẩy nhanh đàm phán với Bình Nhưỡng.