10:13 22/10/2007

“Đàm phán phải có đi có lại”

Hà Linh

Trưởng nhóm Thương mại của Uỷ ban Châu Âu (EC) nói về hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa ASEAN và EU

"Có khả năng EU sẽ đưa ra những đối xử ưu đãi với một số quốc gia ASEAN."
"Có khả năng EU sẽ đưa ra những đối xử ưu đãi với một số quốc gia ASEAN."
Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa ASEAN và EU đã chính thức khởi động tháng 5/2007 và sẽ bắt đầu đàm phán những nội dung cụ thể vào đầu năm tới. Hai bên hi vọng các mục tiêu đàm phán có thể kết thúc vào cuối năm 2009.

Nhân dịp Hội thảo “Hiệp định mậu dịch tự do: Cơ hội và thách thức” do Eurocham tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Trưởng nhóm Thương mại của Uỷ ban Châu Âu (EC), ông Philippe Meyer, nhân vật thứ hai sau Cao uỷ Thương mại EU Peter Mandelson, tham gia đàm phán FTA ASEAN-EU.

Theo ông, việc ký kết Hiệp định FTA với EU sẽ có tác động gì tới triển vọng kinh tế của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng?

Những lợi ích chúng ta có thể hưởng được từ FTA trước hết là sự đa dạng hoá trong hoạt động thương mại, đặc biệt giữa những bên có quy định ưu đãi thương mại. Bên cạnh đó cũng tạo ra những dịch vụ thương mại mới, hàng hoá và dịch vụ tốt có chất lượng cao. Bởi vì chỉ có những mặt hàng có chất lượng và dịch vụ tốt mới vào được thị trường của chúng tôi.

Từ việc tạo ra và đa dạng hoá các hoạt động thương mại này, chúng ta có thể tăng cường được khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó cũng giảm bớt được giá cả của hàng hoá và dịch vụ. Nếu tăng cường được khả năng cạnh tranh thì điều đó cũng có nghĩa là hoạt động thương mại và kinh tế của chúng ta gia tăng được hiệu quả, nó sẽ được hiện đại hoá và có nhiều đầu tư hơn.

Có khả năng EU sẽ đưa ra những đối xử ưu đãi với một số quốc gia ASEAN. Ví dụ, với các quốc gia đang phát triển, chúng tôi có thể dành hệ thống ưu đãi chung (GSP). Theo đó, các nước này sẽ được hưởng quy chế về giảm hay xoá bỏ một số loại thuế dành cho một số mặt hàng nhất định. Với những quốc gia kém phát triển hơn, chúng tôi cũng đưa ra quy chế ưu đãi thuế quan dành cho tất cả các hàng hoá, trừ một số hàng hoá liên quan đến mục đích quân sự.

Những thoả thuận về ưu đãi này có thể tạo ra phân biệt đối xử, do đó để không trái với tinh thần của WTO, những ưu đãi này sẽ phải đạt được một số điều kiện mà tổ chức WTO cũng coi là phù hợp, chẳng hạn như việc đối xử ưu đãi đó tạo ra sự hội nhập sâu sắc hơn cho các nền kinh tế và có thể được chấp nhận khi tạo ra một hoạt động thương mại toàn diện đối với các loại mặt hàng.

Đó là những lợi ích rõ ràng có được từ quan hệ của chúng ta thông qua Hiệp định FTA. Chúng tôi dự đoán rằng những lợi ích kinh tế từ hiệp định mậu dịch tự do giữa ASEAN và EU sẽ rất lớn, có thể tạo ra thêm tới 40% về lợi ích kinh tế, những nước có lợi ích từ sự tự do hoá của chúng ta sẽ chiếm đến 70% và các quốc gia ASEAN bình quân có thể tăng được thêm 2,2% GDP của mình. Và tôi nghĩ rằng dự đoán này cũng rất đúng với Việt Nam và chúng ta không thể bỏ qua được lợi ích này.

Với cách trả lời của ông, dường như FTA giữa ASEAN và EU sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội hơn thách thức?

Bạn nói đúng. Mọi việc đều có điểm tích cực và tiêu cực. Nhưng đối với Việt Nam tôi nghĩ điểm tích cực nhiều hơn tiêu cực. Bởi vì Việt Nam vừa là thành viên của WTO. Trong quá trình gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này, Việt Nam đã dỡ bỏ nhiều hàng rào, tiến hành nhiều cải cách, có những bước đi quyết định tiến tới tự do hoá thương mại. Do vậy, Việt Nam hầu như không mất gì nhiều mà được nhiều.

Tôi muốn nói rằng đàm phán FTA lần này, chúng tôi muốn còn đi xa hơn những cam kết đã có trong WTO. Và đương nhiên tôi có thể khẳng định rằng không có một điều gì thực sự làm tổn hại đến Việt Nam, cho dù đến bây giờ nhiều người vẫn nói Việt Nam được xem như một nước chậm phát triển trong số các nước ASEAN. Nhưng bên cạnh sự thực này còn có một sự thực khác, đó là Việt Nam có khả năng tăng trưởng rất tốt.

Tôi xin lấy ví dụ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU trung bình là 18%/năm, và có lẽ mọi người đều nhất trí với việc không chỉ gia nhập WTO giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế mà tham gia vào FTA còn giúp Việt Nam tăng trưởng hơn nữa. Bây giờ nhiều người ở Việt Nam đang tạm hài lòng với những gì Việt Nam đang có khi tiếp cận thị trường châu Âu.

Lấy ví dụ như quy chế GSP cung cấp dịch vụ ưu đãi về thương mại đối với nước xuất khẩu thứ 3 và các nước chậm phát triển nhưng còn nhiều hơn nữa đối với Việt Nam. Cái được của Việt Nam chuyển từ vị thế nước được hưởng GSP đơn phương do EU cho sang thực sự là đối tác của EU. Điều đó cho thấy thách thức có nhưng không nhiều.

Trong phạm vi hẹp hơn là khuôn khổ đàm phán FTA, thách thức lớn nhất mà ASEAN đang phải đương đầu chính là làm sao dung hoà một quan điểm chung khi tiếp cận đàm phán FTA. Bởi trong nội khối ASEAN, các nước thành viên có trình độ phát triển khác nhau và có những mối quan tâm lợi ích khác nhau, làm sao ASEAN có thể đưa ra một cách tiếp cận chung nhất mà không khiến cho sự mặc cả ở mức thấp nhất. Ý tôi muốn nói EU muốn hướng tới một FTA toàn diện ở mức độ cao.

Việt Nam với vai trò điều phối viên sẽ rất khó trong vấn đề này, làm sao thuyết phục các nước thành viên chấp nhận sự nhân nhượng để đưa ra một bản chào hợp lý nhất và mang tính đại diện cao nhất.

Thực tế “bản chào” về dịch vụ trong FTA cũng không khác so với WTO. Trong trường hợp vòng đàm phán Doha thành công thì hoá ra Việt Nam sẽ không được lợi gì từ FTA, thưa ông?

Những gì bạn nghe chỉ là một phần của sự thực thôi. Thực tế chúng tôi đã rất mở cửa trong lĩnh vực dịch vụ. Ví dụ ở EU, chúng tôi đã phát triển khu vực dịch vụ rất lớn, nhiều doanh nghiệp hoạt động chúng tôi mở cửa với mức độ cao hơn những nước khác rất nhiều. Do vậy, chúng tôi không có nhiều để đưa ra bản chào trong đàm phán lần này nữa.

Tuy nhiên, hoàn cảnh của Việt Nam hoàn toàn khác bởi vì ngành dịch vụ của Việt Nam cũng như một số nước ASEAN khác chưa mở cửa nhiều. Do đó, điều chúng ta cần lưu ý là lợi thế cạnh tranh và tính bổ sung lẫn nhau. Chúng tôi sẽ dỡ bỏ thuế suất cao đối với những mặt hàng các bạn có mức cạnh tranh cao, ngược lại các bạn hỗ trợ chúng tôi để tiếp cận khu vực dịch vụ của các bạn.

Đó là bước “có đi có lại” và đó là lí do giải thích rằng sẽ không có ý nghĩa gì hết khi chúng ta chỉ đàm phán về thuế suất mà không có đàm phán tổng thể tất cả các lĩnh vực trong đó bao gồm cả dịch vụ.

Trên thực tế, đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất của Việt Nam cũng chính là các nước trong khu vực. Khi ký FTA thì lợi ích mà các nước nhận được cũng sẽ tương đồng như nhau. Vậy Việt Nam sẽ khó có lợi thế nào hơn so với các nước trong khu vực khi tham gia FTA?

Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam rất mạnh. Các con số ấn tượng đã minh chứng cho điều đó, như kim ngạch hai chiều đạt gần 10 tỉ USD năm vừa qua. Do vậy, nên nhìn tổng thể khi có FTA rồi, ví dụ như mặt hàng dệt may các bạn không phải chịu thuế suất 9,6% khi vào thị trường EU mà là 0%. Đó là một mức đầy khác biệt, giảm gần 10%. Điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhà sản xuất và cơ hội lớn đối với cả nhà sản xuất và xuất khẩu.