14:45 07/10/2015

Đàm phán TPP đã kết thúc như thế nào?

Việt Anh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu những diễn biến chính trong vòng đàm phán TPP cuối cùng

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại sân bay Nội Bài, sau khi trở về từ vòng đàm phán TPP cuối cùng - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tại sân bay Nội Bài, sau khi trở về từ vòng đàm phán TPP cuối cùng - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ chính thức ký kết hiệp định vào khoảng cuối tháng 12/2015 hoặc đầu tháng 1/2016”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam - cho biết sau khi trở về Việt Nam từ cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Mỹ.

Trước đó, sau 6 ngày đàm phán liên tục thành phố Atlanta (Mỹ), 12 nước thành viên TPP đã hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới vào ngày 5/10. Bước tiếp theo để TPP có hiệu lực là văn kiện này cần được quốc hội và chính phủ các nước phê chuẩn.

“Lợi ích của chúng ta có nhiều”

Thưa ông, TPP là hiệp định tiêu chuẩn rất cao, trong khi Việt Nam lại nước kém phát triển nhất trong các nước thành viên TPP, với năng lực cạnh tranh thấp. Vậy chúng ta có bất lợi trong TPP hay không?

Không ngại! Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như tính từ khi tham gia ASEAN, trong hành trang của chúng ta đã có 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2000, chúng ta ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ, đến năm 2006, gia nhập WTO. Và đến bây giờ, năm 2015, chúng ta vào TPP. Chúng ta tự tin để bước vào hội nhập.

Vừa qua nhiều người nói rằng các doanh nghiệp vẫn còn lơ mơ về hội nhập trong khi đó, TPP lại là một thoả thuận bí mật. Chúng ta sẽ phải xử lý như thế nào trong thời gian tới?

Thông tin về đàm phán TPP sở dĩ không được phổ biến là do thoả thuận giữa các nước thành viên TPP. Tuy nhiên trong quá trình đàm phán, chúng tôi vẫn thường xuyên tham vấn ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, các bên liên quan, bao gồm các uỷ ban của Quốc hội.

Chính vì vậy, trong quá trình đó, chúng tôi tự tin rằng, kết quả đàm phán sẽ thể hiện trong đó mong muốn của các doanh nghiệp, ưu tư của các doanh nghiệp, mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội trong đó.

Nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian tới đây là cùng các nước TPP rà soát hiệp định, sau đó, nhanh chóng công bố thông tin về hiệp định tới người dân và doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp có thể chuẩn bị trước những thách thức, yêu cầu của TPP.

Vào phút chót của vòng đàm phán, điều gì đã khiến các thành viên TPP có thể đạt được thoả thuận thống nhất?

Lần này, các bộ trưởng gặp nhau ở Atlanta để xử lý những vấn đề còn lại sau hội nghị các bộ trưởng TPP ở Hawai vào tháng 7. Đây là những vấn đề rất khó, nên hội nghị tại Hawai đã đổ vỡ mà không kết thúc được.

Đó là những vấn đề về quy tắc xuất xứ của mặt hàng ôtô, thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, và đặc biệt là mở cửa thị trường với dệt may, giày dép, sữa...

Tại Atlanta, các bộ trưởng tập trung xử lý các vấn đề tồn tại này. Ban đầu, dự kiến vòng đàm phán kéo dài 3 ngày, nhưng đến ngày 2/10, có thông tin các nước Nhật Bản, Mexico, Mỹ có thể đạt được thoả thuận với nhau về mặt hàng ôtô, nên các bộ trưởng quyết định dời lại ngày về, và kéo dài hội nghị bộ trưởng thêm hai ngày nữa.

Đến ngày 3/10, chúng ta nhận được thông tin các nước đã thoả thuận được với nhau về vấn đề ôtô. Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, hiệp định TPP đã rất gần rồi, và không một ai muốn rời Atlanta mà không có kết quả.

Đến ngày 4/10, các nước thống nhất được với nhau về sinh dược. Tới lúc đó, không còn ai muốn rời Alanta nữa. Các bộ trưởng quyết định gia hạn thêm và tích cực đàm phán, rất khẩn trương để có thể có được kết quả đàm phán cuối cùng về mở cửa thị trường.

Trong đêm đàm phán cuối cùng, chúng ta đã kết thúc được dệt may với Mỹ và Mexico, kết thúc đàm phán với Mỹ về quyền sở hữu trí tuệ.

Tiếp đó, cuộc đàm phán song phương cuối cùng giữa Mỹ và Nhật Bản kết thúc, và TPP kết thúc đàm phán toàn diện.

Theo ông, Việt Nam sẽ thu được những lợi ích gì từ việc gia nhập TPP?

Lợi ích của chúng ta có nhiều. Ví dụ chúng ta có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ hình thành vào trong khu vực của TPP, có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm cơ hội cho việc làm trong nước, có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không bị phụ thuộc một cách quá mức vào khu vực thị trường Đông Á.

Mình có khả năng mở rộng thị trường hơn nữa sang các nước TPP, đặc biệt là sang thị trường Mỹ... Đó là những cơ hội rất lớn.

“Thách thức là khả năng nắm bắt cơ hội”

Vậy, Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn gì?

Khó khăn của chúng ta vẫn là sức ép cạnh tranh. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên chúng ta hội nhập, trong hành trang của chúng ta đã có 20 năm hội nhập và chuẩn bị, vì vậy chúng tôi cho rằng chúng ta đủ sức để tiến vào cuộc chơi mới này.

Tuy nhiên, cũng có những ngành gặp khó khăn, đặc biệt là nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi.

Tôi khẳng định rằng, tuy kết quả đàm phán lúc này chưa được công bố, nhưng ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất là 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế được hạ về 0%.

Rất hy vọng, trong thời gian đó, chúng ta sẽ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, làm sao cho nông nghiệp của chúng ta có sức cạnh tranh lớn hơn nữa, để có thể chiến thắng ngay trên sân nhà.

Không có lý gì là một nước nông nghiệp, mà chúng ta lại không chiến thắng về các sản phẩm nông nghiệp.

TPP đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, về chống tham nhũng, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, buộc các quan chức quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy quản lý, lấy lợi ích của người dân, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ. Đó là sức ép rất lớn đối với bộ máy quản lý hành chính, mà phải vượt qua bằng được.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh tốt trong bối cảnh hội nhập, theo ý kiến của ông?

Rất khó trả lời câu hỏi này, vì mỗi doanh nghiệp nhìn đàm phán TPP dưới một góc độ khác nhau, không thể có một câu trả lời chung cho doanh nghiệp thủy sản hay dệt may, nên mỗi doanh nghiệp có một câu trả lời khác nhau.

Tuy nhiên, tôi nghĩ các doanh nghiệp của chúng ta rất năng động, nếu như họ có tư duy đúng đắn, xác định rằng mình tự làm những gì mình có thể làm được trước khi kêu gọi sự giúp đỡ của Nhà nước, thì với tinh thần đó, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ thành công.

Nhiều bộ trưởng các nước TPP đều cho rằng đây là hiệp định mang tính lịch sử, cá nhân tôi nhận thấy rằng TPP là hiệp định có tính bước ngoặt, bởi vì đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay, chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu.

Khi hình thành một khu vực thương mại tự do rất lớn như vậy, đó là thời khắc phải nói là rất quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới.

TPP giống và khác thế nào với các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây?

So với các FTA trước đây thì TPP cũng là một hiệp định thương mại tự do, nhưng có phạm vi cam kết rộng lớn hơn và có mức độ cam kết sâu hơn.

Đó là điển hình của các FTA thế hệ mới, đề cập không chỉ các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, vật tư mà còn cả các vấn đề thương mại phi truyền thống, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước.

Các ngành dệt may, da giầy của Việt Nam liệu sẽ đối mặt với những thách thức như thế nào?


Cơ hội cho các ngành dệt may, da giầy là rất lớn, vì thuế nhập khẩu trên một số thị trường quan trọng, trong đó có Mỹ, sẽ được đưa về 0%, đó sẽ là cơ hội.

Thách thức ở đây chính là khả năng nắm bắt cơ hội của chúng ta.

Thưa ông, vai trò của đoàn Việt Nam trong những ngày cuối cùng là như thế nào, để góp phần làm nên sự thành công của đàm phán TPP?

Chúng ta đã nỗ lực cùng các nước làm nên kết quả các cuộc đàm phán, đó là đóng góp to lớn của đoàn đàm phán Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Tại Alanta, Bộ trưởng đã có nhiều cuộc gặp quan trọng với những người đồng cấp, cùng các đối tác của mình xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn. Dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó, chúng tôi mới có thể đàm phán ở phía dưới được.