14:51 20/03/2007

“Đẳng cấp” trên sàn

Sau những thăng trầm, biến động của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hơn

Sau những thăng trầm, biến động của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Cảnh gặp gì cũng mua, thấy lời là bán, đã dần nhường chỗ cho việc phân chia thị trường, chia danh mục đầu tư rõ ràng và phân biệt “đẳng cấp” hẳn hoi.

Ngoại hạng - Chỉ chơi cổ phiếu blue chip

Hiện nay, trên các sàn đã “phân hóa” theo 4 dạng nhà đầu tư. Loại VIP được cả chủ sàn là những công ty chứng khoán lẫn giới chơi chứng khoán trọng vọng, ngưỡng mộ và cả ganh ghét là những đại gia chỉ chuyên giao dịch cổ phiếu blue chip.

Họ chỉ mua đi bán lại FPT, SJS, BVS, SAM, REE, HRC, ACB, SSI... hoặc các cổ phiếu OTC hàng đầu như Đông Á, Eximbank, cùng các ngân hàng lớn, doanh nghiệp dầu khí, bảo hiểm khác...

Cách đây 2 tháng, các cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng (mệnh giá 10.000 đồng) đã được liệt vào hàng blue-chips nhưng do giá lên chóng mặt nên bây giờ xấp xỉ 200.000 đồng/cổ phiếu mới được giới này ngó ngàng đến.

Theo bà Trần Thị Thu Hoa (chủ doanh nghiệp tư nhân Hoa Thủy, quận Bình Thạnh, Tp.HCM) thì “trước đây tôi mua, bán bất cứ cổ phiếu nào thấy có lợi nhưng 2 tháng nay chỉ tập trung vào các loại cổ phiếu blue chip”.

Cổ phiếu blue-chips lên giá nhanh nhưng rớt giá cũng mạnh, như FPT có khi lên xuống xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu/một phiên giao dịch và chỉ có những người trường vốn như bà Hoa bỏ vào thị trường chứng khoán gần 6 tỷ đồng mới chịu nổi rớt liên tiếp như giữa tuần qua.

Đổi lại, cổ phiếu loại này đã thắng thì khá đậm và ông Nguyễn Huy Long (sàn ACBS, quận 3, Tp.HCM) lý giải: “Thường đó là các công ty lớn, nhiều đại gia nắm cổ phiếu nên họ cũng tìm cách để cổ phiếu lên giá hoặc không rớt quá nhiều”.

Kinh nghiệm từ đợt điều chỉnh tuần vừa rồi đã cho thấy các cổ phiếu blue chip vẫn là lựa chọn số 1 khi muốn đẩy giá lên hay kéo giá xuống. Một đẳng cấp riêng đã hình thành, dù trong này không ít trọc phú!

Hạng nhất - “Chưa quá cao và sẽ cao”

“Thấp” hơn một bậc là dân đầu tư “đánh cược” vào các loại cổ phiếu từ 70.000 - 150.000 đồng trên thị trường. Anh Võ Văn Thắng (chợ chứng khoán Nguyễn Công Trứ, quận 1, Tp.HCM) cho biết: “Từ nấc giá này trở thành blue chip không xa nên biết đầu tư thì rất có triển vọng”.

Anh Thắng dẫn chứng trường hợp của GMD, NKD, SSC... và đang kỳ vọng STB, ITA, DMC... sẽ gia nhập nhóm cổ phiếu hàng đầu trong tương lai xa. Dân chuyên đầu tư vào loại cổ phiếu này phân tích “chưa quá cao và sẽ cao để có thể đầu tư, phần lớn lại có kết quả làm ăn khá tốt, nhiều cổ phiếu còn ngon lành hơn cả nhóm blue chip hàng đầu”.

Loại cổ phiếu trong khoảng giá này được khá nhiều dân đầu tư “ khôn ngoan” lựa chọn vì họ cho rằng “nếu cao quá lúc rớt rất dễ trắng tay, hoặc thấp hơn thì tính thanh khoản kém hấp dẫn, giá vừa vừa dễ mua dễ bán”.

Trên thực tế thì thời gian qua, dân mới chơi chứng khoán thường trúng lớn với các loại cổ phiếu khoảng giá này, điển hình là STB, HAP, HAI...lên hàng chục giá trong thời gian từ giữa tháng 1 đến nay.

Hạng hai - Ăn vừa phải và không mất quá nhiều

Biết là đổ vào blue-chips sẽ lời nhiều hơn hay ném tiền vào các cổ phiếu giá trên 70.000 đồng sẽ giao dịch dễ hơn nhưng với giới chuyên tâm vào các loại cổ phiếu dưới 70.000 đồng lại có cách tính khác.

Chị Đặng Thị Thu Hương (quận 7, Tp.HCM) nói: “Có thể các loại cổ phiếu giá thấp không lên nhanh nhưng lại xuống vừa phải, nếu mới chơi thì giao dịch loại này phù hợp để tập làm quen hơn, trong trường hợp xấu thì cũng không mất quá nhiều”.

Chị Hương đang sở hữu 2.000 cổ phiếu TRI mua giá hồi còn 46, 1.000 cổ phiếu TS4 mua giá 38.000 đồng/cổ phiếu hồi trước Tết và số lời 20,30 triệu cũng “quá tốt so với đầu tư ngành khác”.

Chuyên gia phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam phân tích: “Nếu bỏ ra 100 triệu mua 2.000 cổ phiếu giá 50.000 đồng/cổ phiếu và kiếm lời 10.000 đồng/cổ phiếu thì so về tỷ suất lợi nhuận vẫn tốt hơn bỏ ra 150 triệu mà chỉ lời 15 triệu đồng. Đừng quan trọng cổ phiếu giá cao hay thấp mà nên chú ý mức lợi nhuận trên vốn bỏ ra”.

Có lẽ đó cũng là lý lẽ của nhiều người đang chọn các loại cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ như LAF, BBT, BBC, PRUBF1... đang có giá dưới 30.000 đồng/ cổ phiếu hoặc đơn vị quỹ. Mới đây, có người đã thắng lớn khi các cổ phiếu giá rẻ này có kỳ tăng 5, 6 phiên liên tiếp.

Hỗn hợp - “Không bỏ hết trứng vào một giỏ”

Ngoài các nhà đầu tư trên thì số “không bỏ trứng vào một giỏ” khi chia nhỏ danh mục đầu tư có đủ mặt blue chip, giá trung bình và giá rẻ. Ông Đỗ Văn Thanh (quận 1, Tp.HCM) cho xem danh mục 15 loại cổ phiếu ông mua tổng cộng hết 167.500.000 đồng vì loại nào nhiều nhất cũng chỉ 200 cổ phiếu.

Ông Thanh nói: “Chia nhỏ ra, có thể lời không nhiều nhưng khó mất trắng và với người về hưu như tôi thì phải chắc ăn vậy thôi”. Tuy nhiên nhiều đại gia có bạc tỷ cũng chọn cách này vì bà Trần Ngọc Thu (chủ một sạp vải chợ Bến Thành) cho rằng: “Mới vào sàn nên phải đa dạng cổ phiếu để học hỏi và rút dần kinh nghiệm”.

Theo ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng - Trưởng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Tp.HCM , tại những thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, phần đông nhà đầu tư cũng chia nhỏ danh mục và không tập trung vào một vài loại cổ phiếu.

Ông Hoàn nhận định: “Đây sẽ là xu hướng đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam, bất cứ quỹ hay tổ chức tài chính nào cũng đầu tư theo kiểu này”.

Tuy nhiên, giới đầu tư trong thời kỳ “nguyên sơ” này lại có tiếng nói riêng và nói như bà Hoa thì “miễn sao lời nhiều là được, chứ chờ đợi phân tích mệt lắm!”.