06:29 05/02/2021

Đảng Cộng hòa rơi vào “thế bí” sau nhiệm kỳ của ông Trump

An Huy

Thế khó xử của các thượng nghị sỹ Cộng hòa cho thấy đảng này vẫn bị ràng buộc bởi ông Trump, ngay cả khi nhiệm kỳ của ông đã kết thúc

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: ABC.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: ABC.

Cựu Tổng thống Donald Trump không còn là chủ nhân của Nhà Trắng, nhưng cái bóng của ông vẫn còn rất lớn ở Washington DC và trong Đảng Cộng hòa, trong bối cảnh Thượng viện Mỹ đang chuẩn bị cuộc xét xử luận tội lần thứ hai đối với ông.

Phe Cộng hòa trong Thượng viện, gồm 50 nghị sỹ, đang "đau đầu" nghĩ cach để vừa xoa dịu phe ủng hộ ông Trump - những người vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong Đảng Cộng hòa - vừa thừa nhận rằng vị cựu Tổng thống kích động cuộc tấn công hôm 6/1 vào tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol.

NGƯỜI CỘNG HÒA ỦNG HỘ ÔNG TRUMP CÒN NHIỀU

Thế khó xử của các thượng nghị sỹ Cộng hòa cho thấy đảng này vẫn bị ràng buộc bởi ông Trump, ngay cả khi nhiệm kỳ của ông đã kết thúc, tờ Telegraph nhận định. Tình thế này cũng đặt ra câu hỏi về hướng đi của đảng trong thời gian tới, khi mà một tỷ lệ không nhỏ trong nội bộ đảng vẫn trung thành với một vị Tổng thống chứng kiến đảng để mất cả lưỡng viện Quốc hội và Nhà Trắng vào tay những người Dân chủ.

Ảnh hưởng của ông Trump đối với các nghị sỹ Cộng hòa được thể hiện rõ mới đây, khi 45 thượng nghị sỹ của đảng này bỏ phiếu phản đối việc tổ chức cuộc xét xử luận tội ông Trump. Các nghị sỹ này không bảo vệ hành động của ông Trump hôm 6/1, nhưng lập luận rằng sẽ là vi hiến nếu luận tội một cựu Tổng thống.

"Luận tội là để cách chức, và người bị buộc tội ở đây đã rời nhiệm sở", thượng nghị sỹ Cộng hòa Rand Paul phát biểu. Ông Paul nói thêm rằng cuộc xét xử ông Trump sẽ "kéo đất nước tuyệt vời của chúng ta lún sâu hơn vào vũng lầy của hận thù và đả kích".

Với 45 thượng nghị sỹ Cộng hòa không muốn xét xử luận tội ông Trump, đồng thời ủng hộ việc tha bổng ông Trump, khó có khả năng vị cựu Tổng thống sẽ bị kết tội kích động bạo loạn. Sẽ phải cần tới ít nhất 17 thượng nghị sỹ Cộng hòa và tất cả các thượng nghị sỹ Dân chủ để kết tội ông Trump.

Bà Tara Setmayer, một nhà bình luận bảo thủ đã rời Đảng Cộng hòa vào tháng 11 năm ngoái, miêu tả việc nhóm thượng nghị sỹ Cộng hòa trên phản đối cuộc xét xử ông Trump là "bằng chứng rõ nét nhất" cho thấy các nghị sỹ Cộng hòa không muốn đứng lên chống lại ông.

"Đảng Cộng hòa đã có rất nhiều cơ hội để thoát khỏi chủ nghĩa Trump", bà Setmayer nói, nhưng rốt cục họ đã không làm như vậy.

Vấn đề đối với những nghị sỹ Cộng hòa có ý muốn "dứt tình" với ông Trump là ông vẫn được lòng một tỷ lệ lớn thành viên trong đảng. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin NBC News sau vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội, 87% thành viên Đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ những gì ông Trump làm trên cương vị Tổng thống. Thông tin rằng ông Trump đang xem xét thành lập một chính đảng mới chỉ khiến những người Cộng hòa lo ngại rằng họ sẽ bị thách thức bởi cánh hữu.

Sự ủng hộ lớn dành cho ông Trump đặt các nghị sỹ Cộng hòa trước 3 lựa chọn chính: tiếp tục ủng hộ ông; rời nhiệm sở; hoặc có nguy cơ bị thách thức bởi một nhân vật ủng hộ ông Trump. Mới đây, ông Rob Portman - một thượng nghị sỹ Cộng hòa có tiếng nói quan trọng đến từ bang Ohio - tuyên bố sẽ không tranh cử thêm một khóa nữa, làm gia tăng hy vọng của Đảng Dân chủ về giành chiếc ghế mà ông Portman để lại. Ngoài ra, hạ nghị sỹ Liz Cheney - một trong số 10 người Cộng hòa ở Hạ viện ủng hộ việc luận tội ông Trump - đã bị hạ nghị sỹ Cộng hòa Matt Gaetz, một người thân ông Trump, chỉ trích mạnh mẽ trong một cuộc vận động cử tri ở Wyoming.

"Chúng ta đang ở trong một cuộc đấu tranh tinh thần của Đảng Cộng hòa, và tôi muốn thắng", ông Gaetz nói.

ĐẢNG CỘNG HÒA SẼ VỀ ĐÂU

Những người trung thành với ông Trump như ông Gaetz đang dựa vào ý tưởng rằng sự ủng hộ dành cho ông Trump trong nội bộ Đảng Cộng hòa có thể đưa họ đến chiến thắng, nhưng lý thuyết này không có lịch sử thành công. Bằng chứng rõ rệt là sau nhiệm kỳ của ông Trump, Đảng Dân chủ đã nắm cả Thượng viện, Hạ viện và Nhà Trắng.

Sự chia rẽ tư tưởng trong hàng ngũ Đảng Cộng hòa được thể hiện rõ vào tháng 12/2020, khi ông Trump kêu gọi mức hỗ trợ trực tiếp lớn hơn trong gói kích cầu 900 tỷ USD. Đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua bao gồm khoản hỗ trợ 600 USD cho hầu hết người dân Mỹ, nhưng sau đó ông Trump lại đòi mức hỗ trợ phải là 2.000 USD.

Con số mà ông Trump đưa ra ngay lập tức bị bác bỏ bởi chính thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện, nghị sỹ Mitch McConnell - người từ chối xem xét một dự luật mà Hạ viện thông qua với mức hỗ trợ 2.000 USD. Dù vậy, theo kết quả khảo sát, 72% cử tri bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 nhất trí với quan điểm của ông Trump rằng khoản hỗ trợ 600 USD là không đủ.

Sự bất nhất quan điểm này đặt ra câu hỏi liệu Đảng Cộng hòa có đang đi tới một sự chia tách, khi một phái trong đảng tiếp tục gắn kết với chủ nghĩa Trump và phái còn lại tập trung vào những giá trị bảo thủ truyền thống như chính phủ nhỏ gọn và giảm thâm hụt ngân sách.

"Đang có một cuộc tranh luận là liệu Đảng Cộng hòa có tự tàn lụi vì chủ nghĩa Trump và một đảng mới ra đời? Bởi vì hướng đi hiện nay của Đảng Cộng hòa là không ổn chút nào", bà Setmayer nói.

Vì lẽ này, những lá phiếu của các thượng nghị sỹ Cộng hòa trong cuộc xét xử ông Trump có thể sẽ là một trong những bằng chứng đầu tiên về việc đảng này sẽ vượt qua "cuộc nội chiến tư tưởng" bằng cách nào.

Nếu ông Trump được tha bổng, ông có thể ra tranh cử một lần nữa vào năm 2024, cho những người Cộng hòa cơ hội một lần nữa chọn ông làm người đại diện cho đảng để chạy đua vào Nhà Trắng. Bởi vậy, cuộc xét xử ông Trump ở Thượng viện có thể mới chỉ là sự bắt đầu của câu chuyện, chứ chưa phải là cái kết.