09:51 09/03/2023

Đằng sau hiện tượng bùng nổ du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương

Tường Bách

Đầu năm nay, tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đưa ra kỳ vọng, du lịch quốc tế sẽ phục hồi 80% - 95% trong năm 2023 so với mức trước dịch. Trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi...

Ảnh: UNWTO
Ảnh: UNWTO

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi đầu tháng 2 cũng công bố báo cáo cho biết, tốc độ phục hồi du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể và có thể về mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2024. Tuy vậy, báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á 2023 cho rằng các nền kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương cần nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong khu vực, cũng như xem xét triển khai các chính sách nhằm xây dựng tính bền vững và khả năng phục hồi của ngành du lịch, đồng thời giải quyết các thách thức trước đại dịch như thị trường nguồn hạn hẹp và thiếu cơ sở hạ tầng.

Theo CNBC, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của khách sạn Hilton, Alan Watts, mới đây đã nhận định giá phòng khách sạn tại khu vực này đang ở "mức cao nhất mọi thời đại". Nguyên nhân đến từ việc người dân đi lại tăng cao sau thời gian ở nhà vì dịch bệnh. Ông Watts nhận định sự bùng nổ du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương là "một hiện tượng".

Theo ông Joydeep Chakraborty, Giám đốc Chiến lược của ứng dụng đặt phòng Traveloka, giá khách sạn khắp Đông Nam Á tăng trung bình hơn 10% kể từ năm 2022. Tại những điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc, giá phòng tăng hơn 45%. Mức tăng kỷ lục được ghi nhận tại Singapore, Bali (Indonesia), Bangkok và Phuket (Thái Lan). Trong đó, Bangkok có giá tăng cao nhất, hơn 70%. Singapore đứng thứ hai, với hơn 40%. Ctrip, ứng dụng dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, cũng xác nhận giá phòng Bangkok tăng khoảng 70% vào cuối tháng 1 năm nay.

Mức tăng giá tập trung vào phân khúc khách sạn cao cấp. Sau dịch, nhu cầu đi lại ở những nơi sang trọng của khách Trung Quốc tăng cao, với mức độ quan tâm từ 18% của năm 2022 lên 34% năm 2023. Dữ liệu mà CNBC thu thập hồi tháng 2/2023 chỉ ra ít khách Trung chọn phòng dưới 100 USD một đêm. Số người chọn cơ sở lưu trú từ 400 USD tăng gấp ba lần. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm phòng khách sạn cao cấp tăng khiến cho một số điểm đến phải gấp rút đầu tư vào các dự án hạ tầng.

Tại những điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc, giá phòng tăng hơn 45% từ đầu năm nay.
Tại những điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc, giá phòng tăng hơn 45% từ đầu năm nay.

Theo Nikkei Asia, các nhà điều hành khách sạn Thái Lan đang gấp rút đẩy mạnh kế hoạch mở rộng đầu tư cả trong và ngoài nước. Nguồn thu mới từ du lịch đã giúp họ có vốn để tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ du khách. Ví dụ, tập đoàn khách sạn Centara Hotels and Resorts đang dành ra 23 tỷ baht (662 triệu USD) cho dự án xây dựng ít nhất 6 khách sạn trong vài năm tới. Họ cũng có kế hoạch khai trương một khách sạn Centara ở Osaka (Nhật Bản) vào ngày 1/7 năm nay và năm khách sạn khác ở Thái Lan.

"Mục tiêu của chúng tôi ở Osaka là phục vụ khách du lịch Thái Lan cùng với khách du lịch từ Hàn Quốc và Trung Quốc, những người thích đến thăm Nhật Bản", Giám đốc điều hành Centara Thirayuth Chirathivat cho biết. Một tập đoàn khách sạn lớn khác của Thái Lan, Dusit Thani, cũng đang nhắm đến thị trường Nhật Bản. Họ có ý định mở một khách sạn mới tại Kyoto trong vài năm tới. CEO Suphajee Suthumpun cho biết tập đoàn này sẽ xây dựng 14 khách sạn vào năm 2023, nâng tổng công suất phòng lên 13.000 phòng tại 17 quốc gia.

Trong khi đó, tập đoàn khách sạn quốc tế Minor International mới khai trương khu nghỉ dưỡng cao cấp NH Boat Lagoon tại Phuket, nâng tổng số khách sạn và khu nghỉ dưỡng của tập đoàn này lên 531 cơ sở tại 56 quốc gia.

 
Các nhà phân tích cho rằng động lực để chuỗi khách sạn trên cùng nhiều tên tuổi khác trong ngành khách sạn khởi động lại hoạt động đầu tư là do hiệu quả tài chính năm 2022 của họ đã được cải thiện.

Cụ thể, tập đoàn Minor International đã công bố khoản lãi ròng 4,3 tỷ baht vào năm 2022, đánh dấu một bước tiến lớn so với khoản lỗ khổng lồ 13,2 tỷ baht vào năm 2021. Centara cũng ghi nhận lợi nhuận ròng là 398 triệu baht vào năm 2022, phục hồi mạnh sau khoản lỗ 17 tỷ baht vào năm 2021. Doanh thu năm 2022 cũng giúp 2 ông lớn khách sạn Thái Lan giảm được một khoản lỗ lớn. Tập đoàn Dusit Thani ghi nhận khoản lỗ giảm từ mức 1,2 tỷ baht năm 2021 xuống còn 501 triệu baht vào năm 2022, trong khi tập đoàn Erawan báo lỗ 224 triệu baht vào năm 2022, giảm đáng kể so với mức thâm hụt 2 tỷ baht vào năm 2021.

"Du lịch đã phục hồi và động lực tăng trưởng sẽ còn tiếp tục", ông Thirayuth – đại diện của Centara cho biết. Một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu Kasikorn cũng đồng tình với ý kiến này: "Động lực sẽ tiếp tục vào năm 2023 khi du lịch dự kiến sẽ tăng mạnh do Trung Quốc mở cửa trở lại". Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đưa ra dự báo mới là sẽ đón từ 7 triệu đến 8 triệu du khách Trung Quốc vào năm 2023, tăng đáng kể so với dự báo trước đó là khoảng 5 triệu khách.

Trung Quốc có mối liên kết thương mại và du lịch mạnh mẽ, chiếm tới một nửa thương mại khu vực.
Trung Quốc có mối liên kết thương mại và du lịch mạnh mẽ, chiếm tới một nửa thương mại khu vực.

Có thể nói, lạm phát giảm mở đường cho sự phục hồi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng vẫn còn những thách thức trong dài hạn, trong đó bao gồm sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc. Trang thông tin phân tích về kinh tế và tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tại khu vực này, lạm phát đã hạ nhiệt, giá lương thực, giá dầu giảm và nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi.

Những dấu hiệu này giúp cải thiện triển vọng kinh tế trên toàn khu vực, với tốc độ tăng trưởng được dự báo tăng lên 4,7% trong năm nay, hơn mức 3,8% năm 2022. Điều này sẽ khiến cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành nền kinh tế năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới và là điểm sáng toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị chững lại.

Theo đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều sẵn sàng cho mức tăng trưởng 5,3% trong năm nay. Các nền kinh tế này đạt được bước tiến bởi sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sau đại dịch. Đặc biệt, thông tin thay đổi quan trọng nhất kể từ sau báo cáo ra vào tháng 10/2022 là việc Trung Quốc bất ngờ mở cửa trở lại, mở đường cho tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Trung Quốc có mối liên kết thương mại và du lịch mạnh mẽ, chiếm tới một nửa thương mại khu vực, do vậy đây là một tín hiệu tích cực đối với châu Á.