Danh mục toàn cổ phiếu ngân hàng, quỹ ngoại Vietnam Holding “hô” nhóm này sẽ tăng đến hết 2023
Cổ phiếu ngân hàng - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục Vietnam Holding hoạt động tốt và quỹ này kỳ vọng điều đó sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023 nhờ mức định giá hấp dẫn và mức tăng trưởng ổn định...
Trong báo cáo hiệu suất đâu tư tháng 8, Vietnam Holding nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam chống chịu rất tốt với cú sốc toàn cầu và phục hồi trong tháng 8 vừa qua với mức tăng trưởng lợi nhuận quý 2 dẫn đến mức định giá thị trường thậm chí còn hấp dẫn hơn.
Hiệu suất của Vietnam Holding nhờ đó đã tăng 4,4% trong tháng 8 với sự phục hồi đáng chú ý của các cổ phiếu bán lẻ trong danh mục là MWG, PNJ và DGW. Riêng MWG - công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ máy tính và điện tử, đã mang về mức lợi nhuận khổng lồ 21% trong tháng 8.
Việc tái cấu trúc hiệu quả các cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) - động lực chính dẫn đến thành công của MWG, đã đi đúng hướng và ban lãnh đạo công ty kỳ vọng chuỗi cửa hàng tạp hóa sẽ đạt EBITDA hòa vốn vào cuối năm 2022. Một đợt IPO tiềm năng trong tương lai của BHX có thể kích hoạt đa tăng trưởng của cổ phiếu MWG.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục, cũng hoạt động tốt và quỹ này kỳ vọng điều đó sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023 nhờ mức định giá hấp dẫn và mức tăng trưởng ổn định.
Ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của VNH 35%, tiếp theo là Công nghiệp và dịch vụ 18%; Bán lẻ 17%; Bất động sản 16%; Công nghệ 11%; còn lại là các nhóm ngành khác.
Trong đó, top 10 cổ phiếu hàng đầu trong danh mục gồm FPT, MWG, GMD, PNJ, STB, MBB, KDH, VPB, IDC, HAH. Riêng HAH và KDH giá cổ phiếu sụt giảm trong tháng 8 còn lại đều có mức tăng trưởng khá.
Tuy vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, hiệu suất của quỹ này vẫn âm gần 13%.
Đánh giá về triển vọng vĩ mô Việt Nam, theo VNH, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới cũng như là một trong số ít quốc gia phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Đây là điều chưa từng có. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát gia tăng, khí hậu toàn cầu khắc nghiệt và đứt gãy chuỗi cung ứng bắt nguồn từ cuộc chiến ở Ukraine leo thang, Việt Nam đã vượt qua với tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tháng 8.
Việt Nam về cơ bản đã xoay sở để vượt qua khủng hoảng lạm phát tốt hơn một số quốc gia một phần do thực tế là nước này tiêu thụ ít năng lượng hơn hầu hết các nước phương Tây và vì 50% năng lượng được tạo thành từ các nguồn năng lượng tái tạo có nguồn gốc trong nước, bao gồm cả thủy điện , năng lượng mặt trời và gió, và khí tự nhiên.
John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Biến đổi khí hậu, vừa thăm Việt Nam một lần nữa để gặp gỡ các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp nhằm xây dựng sự đồng thuận về các hành động chính nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.
Việc cập nhật cơ sở hạ tầng của đất nước về mặt này sẽ đòi hỏi hành động tập thể và vẫn là ưu tiên quan trọng khi Việt Nam tiếp tục đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại và tìm cách thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.