Đánh thốc “chiều” phái sinh, VN30-Index tăng gần 20 điểm
Thị trường sôi động hơn hẳn trong phiên chiều khi hợp đồng tương lai chỉ số kỳ hạn tháng 7 đáo hạn hôm nay. VN30-Index tăng càng mạnh thì bên Long càng có lợi...
Thị trường sôi động hơn hẳn trong phiên chiều khi hợp đồng tương lai chỉ số kỳ hạn tháng 7 đáo hạn hôm nay. VN30-Index tăng càng mạnh thì bên Long càng có lợi.
Chốt phiên sáng VN30-Index tăng nhẹ 0,12% và dao động rất ít. Điều đó không “đúng” với thông lệ ngày đáo hạn. Sang chiều, giao dịch sôi động hơn hẳn và nhạc “trưởng” của VN30 chính là các trụ VPB, TCB, HPG và VNM.
Cả 4 trụ này chiều nay đều có nhịp tăng rất đáng kể. VPB chốt phiên sáng đã tăng 2,44% so với tham chiếu, tưởng như đã rất mạnh, nhưng phiên chiều còn mạnh hơn. Cổ phiếu này tăng vọt lên 65.700 đồng, sát mức trần, lúc sau 2h, tăng 6,83%. Cuối phiên VPB có lùi lại nhưng vẫn tăng 4,07%.
TCB không mạnh bằng VPB, nhưng cũng vọt tăng lên 53.200 đồng, tức trên tham chiếu 4,31% chỉ sau VPB khoảng 4 phút. Cuối phiên sáng TCB mới tăng 1,57%. Cuối phiên cổ phiếu này cũng hạ độ cao, còn tăng 2,16% so với tham chiếu.
HPG, VNM có nhịp tăng gần như tương đồng hai mã trên, mức tăng cao nhất tương ứng 4,11% và 1,53%. Thực ra rất nhiều cổ phiếu blue-chips khác cũng bật tăng chiều nay, mức độ khác nhau, nhưng vốn hóa chưa đủ để so sánh với 4 cổ phiếu nói trên. Chẳng hạn FPT cũng tăng cao nhất 1,64%, MWG tăng 2,7%, CTG tăng 5,19%, MSN tăng 1,46%...
Tổng hợp các cổ phiếu trụ của VN30-Index kéo chỉ số này đạt đỉnh lúc 2h5, tăng 2,22% so với tham chiếu. Như vậy nhịp kéo dữ dội nhất ở VN30 đưa chỉ số này tăng tới hơn 2%, trước khi tụt nhẹ xuống cuối phiên do các cổ phiếu trụ cũng tụt áp.
Chung cuộc hợp đồng F1 đáo hạn hôm nay cũng tăng 1,62% tương đương 22,8 điểm. Tuy vậy nếu nhà đầu tư nắm giữ dài hạn hợp đồng này cho đến lúc đáo hạn thì vẫn bị thiệt hại khoảng 53 điểm kể từ ngày đáo hạn hợp đồng tháng 6. Nhịp kéo mạnh chiều nay chỉ giúp giảm thiệt hại một chút, nhưng lợi ích lớn sẽ đến đối với những ai đầu cơ trong ngày.
Rất có thể thị trường sôi động hơn chiều nay có ảnh hưởng nhất định từ hoạt động đáo hạn phái sinh, nhưng giao dịch cũng thật sự hào hứng hơn. Yếu tố quan trọng thể hiện điều đó là độ rộng sàn HoSE thay đổi chóng mặt. Kết phiên sáng số tăng giảm cân bằng 172 mã mỗi bên, nhưng hết ngày, số tăng đã là 287 mã và số giảm còn 82 mã. Nếu thuần túy chỉ là kéo trụ để phục vụ phái sinh mà tạo được sức lan tỏa mạnh như vậy thì cũng có thể xem là một tín hiệu tốt.
Dù vậy thanh khoản chiều nay không mạnh hơn bao nhiêu. Hai sàn chỉ khớp thêm gần 9.425 tỷ đồng, tăng 39% so với phiên sáng và vẫn là ngưỡng thấp. Sàn HoSE giao dịch gần 8.089 tỷ đồng, trong đó 5.597 tỷ đồng chạy vào VN30. Tính chung sàn HoSE vẫn giảm giá trị khớp lệnh khoảng 17% so với phiên trước.
HPG, VPB, TCB là 3 cổ phiếu thanh khoản nhất hôm nay và đều vượt 1000 tỷ đồng. Đây cũng là các cổ phiếu đẩy VN30-Index mạnh nhất. Lượng tiền lớn như vậy vượt xa lợi nhuận khả dĩ trên thị trường phái sinh.
Điều hơi tiếc là các cổ phiếu này kéo VN-Index không được tốt. Chỉ số này đóng cửa chỉ tăng 1,09%. Cụ thể, 3 mã này cộng cho VN-Index gần 5 điểm nhưng cộng cho VN30-Index tới gần 12,5 điểm. Đó là chưa kể STB tăng 5,11%, SSI tăng 5,29%, CTG tăng 3,86% cũng rất giá trị đối với VN30-Index.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng mua khá mạnh trên sàn HoSE. Tuy tổng mức giải ngân chỉ 2.285 tỷ đồng, thấp hơn hôm qua một chút, nhưng mức ròng lại lên tới 728 tỷ đồng. Đó là do phía bán giảm đi rất nhiều. HPG, SSI, STB là 3 mã được mua ròng trên 100 tỷ đồng, trong đó HPG tới 227 tỷ. VNM, GEX, MBB, NVL, CTG, MSN, HDB, HSG cũng được mua ròng mạnh, đều từ xấp xỉ 30 tỷ ròng trở lên.