07:21 04/06/2009

Đảo chiều bất thành, Phố Wall giảm điểm sau 4 phiên tăng

Duy Cường

Đợt phục hồi mạnh diễn ra vào cuối phiên giao dịch những tưởng đã mang lại cho thị trường phiên tăng điểm thứ năm

Nhiều số liệu kinh tế không khả quan được công bố và giá dầu đi xuống là nguyên nhân cơ bản khiến thị trường giảm điểm - Ảnh: Reuters.
Nhiều số liệu kinh tế không khả quan được công bố và giá dầu đi xuống là nguyên nhân cơ bản khiến thị trường giảm điểm - Ảnh: Reuters.
Ngày 3/6, đợt phục hồi mạnh diễn ra vào cuối phiên giao dịch những tưởng đã mang lại cho thị trường phiên tăng điểm thứ năm.

Hôm thứ Tư, ADP Employer Services cho biết, giới chủ tư nhân ở Mỹ đã cắt giảm 532.000 việc làm trong tháng 5/2009 - cao hơn 2,3% so với dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó. Trong tháng 4/2009, giới chủ tư nhân ở Mỹ đã cắt giảm 545.000 việc làm.

Theo giới phân tích nhận định, số người mất việc ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao, đưa tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 5 có thể lên 9,2%, từ mức 8,9% trong tháng 4. Dự kiến, báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu, ngày 5/6.

Cùng ngày, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành dịch vụ trong tháng 5/2009 đã tăng lên 44 điểm, từ mức 43,7 điểm trong tháng 4 - thấp hơn so với mức dự báo 45 điểm của giới phân tích.

Chỉ số này nếu ở dưới ngưỡng 50 điểm thì được cho là tăng trưởng âm. Ngành dịch vụ vốn chiếm 80% hoạt động kinh tế ở Mỹ, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như ngân hàng, hàng không, khách sạn và nhà hàng.

Cũng trong ngày 3/6, Bộ Thương mại Mỹ cho hay, số đơn đặt hàng tại các nhà máy ở Mỹ trong tháng 4/2009 đã tăng 0,7%, sau khi giảm 1,9% trong tháng 3/2009. Nhu cầu mua ôtô, thiết bị điện tử, máy móc xây dựng cùng tăng là nguyên nhân chính giúp số đơn đặt hành tại các nhà máy ở Mỹ gia tăng.

Trong một diễn biến đáng chú ý trong ngày, trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã cảnh báo rằng, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tác động xấu và tạo rủi ro tới các tài sản tài chính của Mỹ, đồng thời sẽ làm cho lãi suất thêm căng thẳng.

Ông Ben Bernanke cho biết, FED sẽ từng bước mua lại trái phiếu Chính phủ, chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản nhằm ngăn chặn lãi suất cho vay có chiều hướng gia tăng, gây bất lợi cho doanh nghiệp và người dân. Ông Ben Bernanke cũng kêu gọi đã đến lúc khởi động các kế hoạch nhằm ngăn chặn sự gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang.

Dow Jones mất điểm dù bứt phá mạnh vào cuối phiên

Chứng khoán Mỹ đã đảo chiều giảm điểm sau chuỗi 4 ngày tăng điểm liên tiếp trước đó. Nhiều số liệu kinh tế không khả quan được công bố và giá dầu đi xuống là nguyên nhân cơ bản khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm.

Thị trường mở cửa ngày giao dịch với mức giảm trên 0,6% so với phiên trước, sức cầu yếu trước hành động chốt lời của nhà đầu tư đã khiến cho cả ba chỉ số không một lần vươn lên ngưỡng giá trị đóng cửa phiên liền trước.

Đà giảm được duy trì từ phiên buổi sáng đến gần hết ngày giao dịch, nhưng cả ba chỉ số đột ngột tăng điểm vào những phút cuối ngày giao dịch - chỉ số Dow Jones giảm từ 1,6% đã phục hồi và chỉ giảm dưới 1% khi ngày giao dịch kết thúc, tương tự chỉ số S&P 500 rút ngắn được biên độ giảm từ -2,2% lên -1,4%. Đây được xem là điểm đáng chú ý nhất trong diễn biến của ngày giao dịch.

Các báo cáo về tình hình việc làm, chỉ số ngành dịch vụ đều gây thất vọng cho giới đầu tư. Lực đẩy của thị trường đã hết và một phiên điều chỉnh là điều tất yếu phải xảy ra.

Giá dầu tại thị trường New York đã giảm hơn 3% khiến các cổ phiếu khối năng lượng giảm điểm mạnh, góp phần đẩy thị trường đi xuống. Chỉ số S&P 500 Năng lượng mất 3,3%, trong đó cổ phiếu Chevron hạ 1,6%, cổ phiếu Exxon Mobil mất 1,2%.

Các cổ phiếu vốn là trụ cột, đầu tàu kéo chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng điểm trong 4 ngày trước, đã giảm điểm và là tác nhân quan trọng đẩy thị trường đi xuống.

Nhiều Blue-chip trong chỉ số Dow Jones đã bị bán tháo chốt lời sau khi các cổ phiếu này đã tăng hơn 10% sau 4 phiên lên điểm trước đó. Cổ phiếu Boeing mất 1,7%, cổ phiếu của nhà sản xuất nhôm lớn nhất ở Mỹ - Alcoa giảm 4,3%, cổ phiếu DuPont hạ 3,9%,...

Trong số 6/30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones duy trì được sức tăng điểm phiên này, thì hầu hết là cổ phiếu khối hàng tiêu dùng, bán lẻ như Wal-mart, P&G, MacDonalds’.
Đảo chiều bất thành, Phố Wall giảm điểm sau 4 phiên tăng - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của chứng khoán Mỹ ngày 3/6 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 3/6: chỉ số Dow Jones hạ 65,59 điểm, tương đương -0,75%, chốt ở mức 8.675,28.

Chỉ số Nasdaq phiên này xuống 10,88 điểm, tương đương -0,59%, chốt ở mức 1.825,92.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 12,98 điểm, tương đương -1,37%, đóng cửa ở mức 931,76.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,32 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 8 cổ phiếu giảm điểm thì có 3 cổ phiếu lên điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng khớp lệnh thành công đạt 2,31 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 8 cổ phiếu mất điểm thì có 4 cổ phiếu tăng điểm.

Những thông tin đáng chú ý tuần tới:

Thứ Năm: Ngân hàng Trung ương Anh, châu Âu công bố quyết định về lãi suất.

Thứ Sáu: Báo cáo tình hình việc làm trong tháng 5 của Bộ Lao động Mỹ; báo cáo về tín dụng tiêu dùng.

Chứng khoán châu Âu giảm xấp xỉ 2%

Chứng khoán khu vực đã giảm điểm mạnh sau khi Mỹ công bố nhiều số liệu kinh tế không khả quan và sự giảm điểm của cổ phiếu ngân hàng, năng lượng và khai mỏ.

Cổ phiếu khối ngân hàng giảm điểm mạnh nhất và cũng là tác nhân lớn nhất đẩy thị trường giảm điểm, trong đó cổ phiếu Barclays hạ 5%, cổ phiếu UBS mất 4,2%, cổ phiếu Deutsche Bank xuống 3,9%,...

Giá dầu tại châu Âu giảm 3% nên đã kéo cổ phiếu khối năng lượng mất điểm, trong đó cổ phiếu Repsol hạ 3,3%, cổ phiếu Total mất 3%, cổ phiếu BP trượt 2,2%.

Cổ phiếu khai mỏ cũng giảm điểm mạnh, trong đó cổ phiếu Vedanta hạ 8%, cổ phiếu Anglo American xuống 6%, cổ phiếu Rio Tinto trượt 4,6% và cổ phiếu BHP Billiton giảm 4,1%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 93,6 điểm, tương đương -2,09%, chốt ở mức 4.383,42. Khối lượng giao dịch đạt 2,42 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức giảm 1,74%, khối lượng giao dịch đạt 24,43 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp xuống 2,02%, khối lượng giao dịch đạt 138,8 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á lấy lại đà tăng

Thông tin nền kinh tế Australia tăng trưởng cao hơn dự báo và diễn biến tích cực trên thị trường nhà ở tại Mỹ đã tạo đà hỗ trợ cho thị trường tăng điểm.

Sắc xanh hiện diện ở hầu hết các bảng điện tử của thị trường lớn trong khu vực, trong đó có thị trường tăng gần 2%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương phiên này đã tăng 0,7% lên 105,08 điểm, đưa chỉ số này tăng gần 5% sau 4 phiên giao dịch gần đây.

Trái ngược với diễn biến của thị trường châu Á, chứng khoán châu Âu đang giao dịch và đang giảm từ 0,7-1,9% (vào lúc 16h theo giờ Việt Nam). Tại thị trường Mỹ, chỉ số tương lai của Dow Jones và Nasdaq đang giảm hơn 0,4%.

Chuyển qua diễn biến trên thị trường chứng khoán lớn nhất trong khu vực, chứng khoán Nhật tiếp tục duy trì đà tăng điểm hôm thứ Tư nhờ sức tăng của cổ phiếu nhiều hãng điện tử và thông tin tích cực thị trường nhà ở tại Mỹ.

Cổ phiếu nhiều hãng điện tử đã tăng điểm mạnh, làm nhân tố dẫn dắn thị trường lên điểm, trong đó cổ phiếu Toshiba tăng 1,4%, cổ phiếu TDK tiến thêm 1,4%, cổ phiếu Advantest lên 0,6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 37,36 điểm, tương đương 0,38%, chốt ở mức 9.741,67. Khối lượng giao dịch đạt 2,18 tỷ cổ phiếu, thị trường có 830 cổ phiếu lên điểm và có 715 cổ phiếu giảm điểm.

Chuyển qua thị trường khác, cơ quan thống kê Australia vừa cho biết, GDP của nước này trong quý 1/2009 đã tăng 0,4%, sau khi tăng trưởng âm 0,4% trong quý 4/2008. Mức tăng trưởng này đã vượt dự báo tăng trưởng âm 0,2% của giới phân tích đưa ra trước đó.

Trước đó một ngày, Ngân hàng Trung ương Australia đã đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 3%/năm, sau khi đã có 6 lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 9/2008.

Thông tin tích cực này nhanh chóng tạo thêm lực đẩy cho thị trường chứng khoán Australia. Kết thúc phiên, chỉ số ASX tiếp tục tăng 61,2 điểm, tương đương 1,55%, chốt ở mức 4.009,3.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 0,8%. Chỉ số ASX của Australia tiến thêm 1,55%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 0,2%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc nhích 1,99%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 0,14%. Chỉ số Hang Seng tiến thêm 1,02%. Chỉ số BSE của Ấn Độ họ 0,63%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.740,878.675,28Down65,59Down0,75
Nasdaq1.836,801.825,92Down10,88Down0,59
S&P 500944,74931,76Down12,98Down1,37
AnhFTSE 1004.477,024.383,42Down93,60Down2,09
ĐứcDAX5.144,065.054,53Down89,53Down1,74
PhápCAC 403.378,04 3.309,65Down68,39Down2,02
Đài LoanTaiwan Weighted6.949,086.893,14Down55,94Down0,80
NhậtNikkei 2259.704,319.741,67Up37,36Up0,38
Hồng KôngHang Seng18.389,0818.576,47Up187,39Up1,02
Hàn QuốcKOSPI Composite1.412,851.414,89Up  2,04Up0,14
Singapore Straits Times2.367,312,380.61Up  4,79 Up0,20
Trung Quốc Shanghai Composite2.724,302.778,59Up54,29Up1,99
Ấn ĐộBSE14.759,6414.781,89Down93,02Down0,63
AustraliaASX3.948,104.009,30Up61,20Up1,55
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg