09:56 09/04/2008

Đào tạo giám đốc chi nhánh ngân hàng

Lê Hường

"Giảng viên của chương trình này là những người đã nhiều năm làm quản lý tại các ngân hàng nước ngoài"

"Các giám đốc chi nhánh là người “cầm lái” cho một “con thuyền” trong cả một “đội tàu”.
"Các giám đốc chi nhánh là người “cầm lái” cho một “con thuyền” trong cả một “đội tàu”.
Được sự hỗ trợ của Công ty Phát triển tài chính Hà Lan (FMO) và Học viện Ngân hàng - Bảo hiểm - Đầu tư Hà Lan (NIBE), Công ty Đào tạo và Tư vấn nghiệp vụ ngân hàng (BTC) đã tổ chức chương trình đào tạo giám đốc chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam, dành cho các ngân hàng thương mại.

Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của chúng tôi với bà Đào Chân Phương, Giám đốc Chương trình, Công ty BTC, về vấn đề này.

Vì sao BTC lại triển khai một chương trình đào tạo “kén” người học như vậy?

Hiện tại, các ngân hàng thường bổ nhiệm giám đốc chi nhánh theo quan điểm đưa những nhân viên có kinh nghiệm lâu năm vào cương vị này. Họ là những người có kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu về một nghiệp vụ nhất định.

Chính vì thế, trong nhiều trường hợp kinh nghiệm thực tiễn này không đủ để họ quản lý cả chi nhánh với bài toán rất khó là tăng doanh thu và giảm chi phí. Thêm vào đó, vị trí giám đốc chi nhánh không đơn thuần là công việc của một chuyên viên tín dụng hay chuyên gia quản lý rủi ro. Họ là người “cầm lái” cho một “con thuyền” trong cả một “đội tàu”.

Vì vậy, một giám đốc chi nhánh cần biết cách nhìn một bức tranh toàn cảnh hơn, nghĩa là, vừa phải có năng lực quản lý rủi ro, năng lực lập kế hoạch kinh doanh và giám sát, năng lực bán hàng, hiểu biết về sản phẩm lại vừa phải có năng lực quản lý con người. Và nhiều giám đốc chi nhánh mới đã chia sẻ với tôi rất nhiều khó khăn mà trước khi làm họ không lường trước được.

Bên cạnh đó, khảo sát tình hình kinh doanh thực tế tại các ngân hàng hiện nay cho thấy, nhu cầu mở rộng mạng lưới để tăng khả năng tiếp cận ngân hàng của người dân là rất lớn. Năm 2007, có ngân hàng mở đến gần 100 chi nhánh và phòng giao dịch. Với đà này, con số chi nhánh ngân hàng được mở trong năm 2008 sẽ không nhỏ.

Vì vậy, đối tượng của chương trình là những giám đốc chi nhánh tiềm năng của các ngân hàng hoặc những giám đốc chi nhánh ngân hàng đang công tác cần bổ sung kỹ năng quản lý.

Mục tiêu, thời gian và học phí của chương trình như thế nào, thưa bà?

Chúng tôi xây dựng chương trình dựa trên khoảng cách năng lực giữa cách thức thể hiện trong công việc hiện tại của các giám đốc chi nhánh và yêu cầu năng lực của một giám đốc chi nhánh chuẩn với nhóm 4 năng lực: nhóm năng lực cốt lõi, nhóm năng lực về các sản phẩm, nhóm năng lực về các quy định, và nhóm năng lực kỹ thuật.

Mục tiêu của chương trình là cung cấp cho học viên các mô hình, công cụ và kỹ năng thiết thực đối với một giám đốc chi nhánh nhằm triển khai hiệu quả chiến lược của ngân hàng.

Trên cơ sở các tài liệu và bài tập thực hành, kết hợp hài hòa giữa thông lệ tiên tiến quốc tế và trong nước về hoạt động quản lý chi nhánh, Chương trình hỗ trợ học viên phân tích và xác định các khoảng cách trong hoạt động của chi nhánh, xây dựng, đề xuất các phương án khả thi nhằm thu hẹp những khoảng cách này.

Các mảng kiến thức và kỹ năng chính học viên sẽ được phát triển và nâng cao trong chương trình bao gồm: lập kế hoạch kinh doanh, quản lý chất lượng công việc, quản lý bán hàng và tiếp thị, quản lý rủi ro, quản lý con người, quản lý chất lượng dịch vụ.

Chương trình này đòi hỏi sự đào sâu nghiên cứu và tương tác rất nhiều giữa học viên và giảng viên, trong đó, học viên đóng vai trò chủ động trong cách đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến.

Mỗi khóa học bao gồm 15 học phần, thời gian học là 15 ngày không liên tục, một lớp gồm 25 học viên, học phí là 1.650 USD/học viên. Dự kiến đến cuối năm nay chúng tôi sẽ đào tạo được 150 học viên.

Bà có thể cho biết đội ngũ giảng viên của chương trình là những ai?

Chúng tôi lựa chọn giảng viên trên cơ sở kinh nghiệm làm việc, khả năng truyền đạt và thiện chí đóng góp cho cộng đồng. Giảng viên của chương trình này là những người đã có nhiều năm công tác tại các vị trí quản lý của các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered Bank, Citibank, ANZ Bank, Mizuho...

Để đảm bảo tính phù hợp với môi trường kinh doanh Việt Nam và nâng cao khả năng ứng dụng thực tế, chúng tôi mời thêm các giám đốc hoặc quản lý cao cấp tại các ngân hàng thương mại trong nước đến chia sẻ kinh nghiệm và xử lý tình huống.

Hai đối tác FMO và NIBE đóng vai trò như thế nào trong chương trình này, thưa bà?

FMO là ngân hàng hướng tới sự phát triển bền vững và lợi nhuận lành mạnh. Với sứ mệnh hỗ trợ những thành phần kinh tế tư nhân ở các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung - Đông Âu, FMO hỗ trợ chúng tôi nguồn tài chính để biên soạn giáo trình theo tiêu chuẩn quốc tế.

NIBE là một tổ chức đào tạo với 40 năm kinh nghiệm đào tạo được công nhận trong giới tài chính Hà Lan và nước ngoài. NIBE cung cấp các chương trình đào tạo theo năng lực, đào tạo từ xa kết hợp với dịch vụ khảo thí, đánh giá năng lực, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ tài chính của Hà Lan.

Trong chương trình này, NIBE đóng vai trò là tổ chức kiểm định chất lượng và công nhận chứng chỉ.