18:13 08/06/2012

“Đặt tập đoàn dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội”

Nguyên Hà

Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến sai phạm của một số tập đoàn và báo cáo Quốc hội

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đặt tập đoàn dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đặt tập đoàn dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đưa ra đề nghị này, khi kết thúc phần phát biểu về tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước, tại phiên thảo luận của Quốc hội về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế sáng 8/6.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng xuất hiện ở hầu hết các ý kiến khác với nỗi quan ngại sâu sắc.

Ghi nhận những đóng góp của các tập đoàn thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Nga cho rằng, từ thực tế đổ vỡ và sai phạm của một số tập đoàn đã cho thấy rõ ràng thể chế pháp lý cho tập đoàn kinh tế Nhà nước đang có nhiều bất cập, có thể tạo ra khả năng sai phạm thất thoát tài sản Nhà nước không chỉ riêng ở các đơn vị đã đổ vỡ, hoặc đã được thanh tra.

Đại biểu Nga cũng nêu thực tế, tất cả 12 tập đoàn đều đang trong giai đoạn thí điểm, về nguyên tắc thí điểm thì có thể thành công hoặc thất bại, nên phạm vi thí điểm nên hẹp và sau một thời gian phải tổng kết, nếu khẳng định thành công mới triển khai trên diện rộng. Nhưng ngay từ đầu đã thí điểm trên phạm vi rất rộng, tập trung vào lĩnh vực trọng yếu xương sống của nền kinh tế.

"Những năm 2005 - 2006 - 2007 liên tiếp 8 tập đoàn được thành lập, sau đó năm 2009 - 2010 khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, trong khi chưa có tổng kết thí điểm chúng ta lại tiếp tục lập thêm 4 tập đoàn mới. Cho đến nay Chính phủ vẫn chưa tổng kết toàn diện về tập đoàn mà chỉ mới sơ kết tháng 11 năm ngoái. Nếu chúng ta tiếp tục thành lập mới khi chưa khẳng định sự thành công của mô hình này thì khó mà tránh khỏi những va vấp của các tập đoàn đi trước", bà Nga nói.

Về hành lang pháp lý, theo phân tích của Phó chủ nhiệm Nga, còn rất nhiều sơ hở dẫn đến những vụ việc sai phạm kéo dài vừa qua được phát hiện rất chậm, khi phát hiện thì hậu quả đã rất nặng nề và rất khó quy trách nhiệm. "Việc để thua lỗ hàng ngàn tỷ ở EVN cho đến nay câu trả lời về trách nhiệm cũng đang bỏ lửng, tái cơ cấu thể chế phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề này", bà Nga nhấn mạnh.

Nhận xét tiếp theo được đại biểu Nga đưa ra là khung pháp lý hiện hành kể cả Luật Cạnh tranh và thực tế tổ chức thi hành đã không kiểm soát được những biểu hiện độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của một số tập đoàn, đặc biệt là xăng và điện. Với vị thế chưa tương xứng và thiếu độc lập của mình, cơ quan quản lý cạnh tranh dường như đứng ngoài cuộc trong việc bảo vệ người tiêu dùng trước áp lực lợi ích riêng của các tập đoàn, nhất là những tập đoàn có quan hệ lệ thuộc với Bộ Công Thương.

Đặc biệt, với công tác nhân sự, theo đại biểu Nga thì các quy định hiện hành và thực tiễn chưa đưa lại cách tốt nhất để chọn ra được những nhà quản trị doanh nghiệp giỏi, nhà kinh doanh chuyên nghiệp. Cần khắc phục xu hướng đưa những công chức quản lý nhà nước không có kiến thức và năng lực kinh doanh sang làm lãnh đạo doanh nghiệp. Ngược lại, phải có cơ chế để lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải gắn trách nhiệm cá nhân với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không tạo lối thoát cho họ dễ dàng chuyển sang khu vực quản lý nhà nước nếu đã để lại thất bại và thua lỗ, bà Nga đề nghị.

Giải pháp, theo quan điểm của vị đại biểu này là Chính phủ tạm dừng ngay việc thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước, kiểm kê lại vốn, tài sản nhà nước tại tất cả các tập đoàn xem còn bao nhiêu, lỗ và thất thoát bao nhiêu, phương án xử lý, làm rõ trách nhiệm cá nhân và báo cáo Quốc hội.

Đồng thời, tổng kết toàn diện việc thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước, qua đó đánh giá đúng cả những mặt tích cực và cả những hạn chế để xã hội có cách nhìn khách quan không vì khuyết điểm của một vài tập đoàn mà phủ nhận tất cả những thành tích đã đạt được. Nếu khẳng định là thành công thì cần xây dựng văn bản ở tầm Quốc hội cho tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước trong đó cần khắc phục những hạn chế đã chỉ ra ở trên.

Đề nghị Quốc hội đặt các tập đoàn kinh tế nhà nước dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội, đôn đốc Chính phủ thực hiện nghiêm các yêu cầu sau giám sát, tăng cường sử dụng công cụ kiểm toán để nâng cao hiệu quả giám sát, đại biểu Nga nhắc lại ý kiến của nhiều đại biểu khác là cần đưa dự án Luật Kinh doanh vốn nhà nước vào chương trình chính thức của năm 2013, vì càng để chậm ngày nào thì càng khó quản lý số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngày đó.

Với sự gia tăng độ nóng từ sai phạm của Vinalines, hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được mổ xẻ ròng rã trong nhiều phát biểu ở cả phiên thảo luận về kinh tế xã hội và đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Và, những chất vấn về trách nhiệm cũng đã được gửi đến một số thành viên Chính phủ ngay từ đầu kỳ họp này.