13:58 28/03/2018

Đất xây trụ sở VEC được tính làm khu lưu trú, trung tâm thương mại

Hoàng Anh

Lô đất hàng nghìn m2 để xây trụ sở Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được kiến nghị kết hợp làm trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê

Trạm thu phí nút giao IC7 của cao tốc Nội Bài - Lào Cai - một dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
Trạm thu phí nút giao IC7 của cao tốc Nội Bài - Lào Cai - một dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư dự án trụ sở Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), theo đó sẽ xây tòa nhà làm việc của VEC kết hợp làm trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê kết hợp cơ sở lưu trú ngắn ngày.

Gần 10 năm chưa triển khai

Theo văn bản của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2008, UBND Tp.Hà Nội có quyết định chấp thuận cho VEC nghiên cứu lập dự án xây dựng trụ sở văn phòng tại khu đô thị mới Cầu Giấy.

Theo đề xuất ban đầu của VEC, dự án có quy mô 30 tầng nổi, 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng 43.550 m2, mật độ xây dựng 36,8%. Trụ sở VEC được xây dựng trên khu đất rộng 4.180 m2, trong đó diện tích xây dựng 1.540 m2. Năm 2012, Hội đồng thành viên VEC đã ra quyết định số 491/QĐ-VEC-HĐTV phê duyệt tổng mức đầu tư dự án xây dựng trụ sở VEC khoảng 667 tỷ đồng.

Tuy vậy, đến nay, sau gần 10 năm được giao đất, dự án xây trụ sở của VEC vẫn là một khu đất trống.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, do thiếu vốn đầu tư, chưa hoàn thành các thủ tục giao đất và cấp giấy phép xây dựng nên đến nay VEC vẫn chưa triển khai được các bước tiếp theo.

Và như vậy, theo Bộ Giao thông Vận tải, về mặt pháp lý, dự án xây dựng trụ sở VEC chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, chưa hoàn thành các thủ tục về đất, giao đất, cũng như nghĩa vụ tài chính khác, nên về pháp lý dự án chưa thuộc quyền sở hữu của VEC.

Bộ này cho rằng, với định hướng, quy mô phát triển trong tương lai trở thành Tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh đường cao tốc tại Việt Nam thì nhu cầu cần đầu tư, xây dựng thêm trụ sở cho VEC và các đơn vị trực thuộc VEC là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, thực tế, do nhu cầu trụ sở của VEC trong giai đoạn 2020-2030 chỉ bằng 1/15 so với tổng diện tích sử dụng của tòa nhà tại Lô 20-E4 khi hoàn thành theo quy hoạch nên nếu VEC tự đầu tư xây dựng sẽ không phát huy, tận dụng dụng tối đa hiệu quả kinh tế gây lãng phí quỹ đất và chi phí vận hành, quản lý, khai thác tòa nhà.

Theo báo cáo của VEC, để tiếp tục triển khai dự án, VEC đã chủ động mời đối tác đầu tư có uy tín, kinh nghiệm, năng lực tài chính, đồng thời có chức năng kinh doanh bất động sản để cùng tham gia làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Việc hợp tác giữa VEC và nhà đầu tư để xây dựng trụ sở VEC tại lô 20 - E4 sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cho các bên, giảm gánh nặng đầu tư vốn cho VEC.

Chính vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận, cho phép thay đổi mục tiêu đầu tư dự án từ trụ sở VEC thành tòa nhà văn phòng làm việc của VEC, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê, kết hợp cơ sở lưu trú ngắn.

Đồng thời cho phép VEC được lựa chọn nhà đầu tư dự án tại lô đất trên. VEC sẽ chỉ tham gia góp vốn bằng quyền phát triển dự án theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, và số tiền đặt cọc sử dụng đất 4,18 tỷ đồng trước đó. Tổng công ty cũng sẽ không góp thêm một khoản chi phí nào khác trong quá trình thực hiện đầu tư.

Ngoài những nguyên nhân nói trên, lý do khiến VEC phải thay đổi mục tiêu đầu tư dự án từ trụ sở, theo giải trình của đơn vị này còn là, việc UBND Tp.Hà Nội yêu cầu phải đầu tư 30 tầng theo quy hoạch, với quy mô và tổng mức đầu tư lớn, nên việc huy động cùng lúc 667 tỷ đồng là rất khó khăn với VEC. Trong khi VEC đang rất cần vốn để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc.

Không được đầu tư, kinh doanh bất động sản

Tuy nhiên, trong văn bản cho ý kiến về việc thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư của dự án trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư dự án trụ sở làm việc của VEC là không phù hợp. Bởi các doanh nghiệp nhà nước như VEC đang phải tuân thủ quy định NĐ 91/2015/NĐ-CP về hạn chế đầu tư, kinh doanh bất động sản. Do đó, theo nghị định này, VEC không được thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

Việc hợp tác với các đối tác bên ngoài để chuyển mục đích dự án xây dựng trụ sở làm việc của VEC thành dự án tòa nhà văn phòng làm việc, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê kết hợp lưu trú ngắn ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trường hợp nhà nước giao đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê thì việc giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Vì thế, việc VEC hợp tác với nhà đầu tư để thực hiện dự án như đề xuất, không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định, nhà nước sẽ không thu được lợi ích cao nhất trong việc giao đất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, trường hợp đất đai được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, không đưa đất vào sử dụng, VEC được gia hạn thêm 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền sử dụng đất tương ứng thời gian gia hạn.

Nếu hết thời gian được gia hạn, VEC không đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai 2013, VEC được giao đất từ năm 2008, nhưng đến nay (đã gần 10 năm) vẫn không triển khai dự án, do đó, khu đất 43.550 m2 đã giao cho VEC tại lô 20 - E4 khu đô thị mới Cầu Giấy thuộc trường hợp phải thu hồi. Và vì thế, việc đề xuất hợp tác với nhà đầu tư khác thông qua góp vốn bằng quyền phát triển dự án trên khu đất theo đề xuất của VEC là chưa phù hợp.