19:47 28/12/2022

Dấu ấn ngành hải quan 2022

Ánh Tuyết

Ngày 23/12, Tổng cục Hải quan công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022. Trong đó ghi nhận nỗ lực của ngành hải quan trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng kỷ lục 700 tỷ USD, giúp toàn ngành hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách và ước đạt 440.000 tỷ đồng trong năm nay...

Dự kiến số thu ngân sách ngành hải quan quản lý năm 2022 đạt 440.000 tỷ, vượt 80.000 tỷ đồng, đánh dấu mốc vượt dự toán cao nhất từ trước tới nay.
Dự kiến số thu ngân sách ngành hải quan quản lý năm 2022 đạt 440.000 tỷ, vượt 80.000 tỷ đồng, đánh dấu mốc vượt dự toán cao nhất từ trước tới nay.

Với vai trò là “người gác cổng” cho nền kinh tế, Tổng cục Hải quan cho biết bối cảnh và những yêu cầu đặt ra của đất nước trong giai đoạn phát triển mới sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan hải quan trong hoạt động kiểm soát hàng hóa ra vào biên giới lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời sẽ đặt ra cho Hải quan Việt Nam nhiều thách thức lớn và nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới toàn diện hơn nữa để ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

NĂM 2030 SẼ HOÀN TẤT HẢI QUAN THÔNG MINH NHỜ SỐ HOÁ

Kế thừa, phát huy, lan tỏa các kết quả, thành tựu đạt được trong cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan thời gian qua, giải quyết những thách thức đặt ra trong quản lý nhà nước về hải quan hiện tại và đến năm 2030, ngành hải quan đã chủ động tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong công tác cải cách phát triển và hiện đại hoá, đặc biệt là quá trình thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; nghiên cứu nhận diện những thách thức Chiến lược đặt ra cho Hải quan Việt Nam trong bối cảnh mới đến năm 2030 tầm nhìn 2045…

Trên cơ sở đó Tổng cục Hải quan dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Đến ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái chính thức ký Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu phấn đấu và hệ thống các giải pháp xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là: “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia”.

Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã xác định 7 mục tiêu cụ thể; đặt ra 26 chỉ tiêu phấn đấu, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và 12 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030; 08 hệ thống các giải pháp toàn diện, đồng bộ, đầy đủ trong mọi lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động nghiệp vụ hải quan… để đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra tại chiến lược.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cho biết với hệ thống hải quan thông minh, chỉ cần có thiết bị kết nối internet, doanh nghiệp có thể làm thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, 24/7, tại bất kỳ đâu trên thế giới. 

Chuyển đổi số là động lực trong xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, đồng thời đây được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với bước đi vững chắc, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, kế thừa những kết quả đạt được, đi đôi với đổi mới sáng tạo.

 

10 sự kiện nổi bật ngành hải quan năm 2022

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, làm cơ sở cho việc hướng tới xây dựng Hải quan Việt Nam thông minh, chính quy, hiện đại.

2. Tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hoá, tạo thuận lợi cho thương mại của ngành Hải quan đưa đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD, nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn và chống thất thu.

3. Đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm đạt kết quả ấn tượng với việc bắt giữ số lượng lớn ma tuý: trên 1 tấn các loại ma tuý, bắt giữ 270 đối tượng.

4. Phát hiện, điều tra nhiều vụ gian lận thương mại với hàng hoá trị giá lớn, có những vụ án lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Khởi tố 48 vụ, kiến nghị cơ quan khác khởi tố 141 vụ, tăng 23% so với cùng kỳ.

5. Năm thứ sáu liên tiếp Tổng cục Hải quan đứng đầu về cải cách hành chính khối Tổng cục và luôn trong top đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.

6. Năm thu thuế xuất nhập khẩu vượt dự toán cao nhất từ trước tới nay, dự kiến đạt 440 ngàn tỷ, vượt 80 ngàn tỷ so với dự toán được giao và 20 ngàn tỷ so với chỉ tiêu phấn đấu.

7. Đưa ra giải pháp, công cụ quản lý đối với việc hàng hoá xuất nhập khẩu qua đường bộ bằng việc triển khai hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý bản kê thông tin hàng hoá nhập khẩu.

8. Ký Tuyên bố Ý định về tăng cường, mở rộng hợp tác lẫn nhau giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ.

9. Ban hành và triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; Tổ chức thành công Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp với chủ đề: “Hải quan Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển” và tôn vinh "Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan".

10. Tổ chức thành công Đại hội 52 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2022-2025.

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52 phát hành ngày 26-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Dấu ấn ngành hải quan 2022  - Ảnh 1