09:40 22/12/2022

Thu ngân sách Hà Nội lần đầu vượt mốc 300 nghìn tỷ đồng

Ánh Tuyết

Với 5 giải pháp trọng tâm, đã đưa thu ngân sách TP. Hà Nội lần đầu vượt mốc 300 nghìn tỷ, cao hơn dự toán 8% và tăng 2,4% cùng kỳ. Trong đó, nổi bật là tích cực tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, chú trọng thanh kiểm tra các chuyên đề như chuyển nhượng nhà đất, thương mại điện tử, doanh nghiệp âm lỗ nhiều năm...

Năm 2023, Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác tăng thu lớn như: thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng bất động sản...
Năm 2023, Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác tăng thu lớn như: thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng bất động sản...

Cục Thuế TP. Hà Nội, cho biết năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố do cơ quan thuế quản lý thu ước thực hiện 303.989 tỷ đồng, đạt 107,9% dự toán pháp lệnh, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách nội địa của TP. Hà Nội vượt mốc 300 nghìn tỷ đồng.

QUYẾT LIỆT CHỐNG THẤT THU, THU HỒI NỢ ĐỌNG

Để đạt được kết quả ấn tượng trên, theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, ngành thuế thành phố đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu trong quản lý thuế và thu.

Một là, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế đáp ứng xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của người nộp thuế. 

Công tác hỗ trợ người nộp thuế tiếp tục được chuyển dịch từ việc hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan thuế sang hỗ trợ trực tuyến. Trong năm 2022, Cục Thuế TP. Hà Nội tổ chức thành công 2 hội nghị đối thoại trực tuyến, với sự tham gia của hơn 196.500 doanh nghiệp trên địa bàn.

Để khuyến khích người mua có thói quen lấy hóa đơn điện tử khi mua hàng hóa dịch vụ, Cục Thuế TP. Hà Nội đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc mua hàng lấy hóa đơn và triển khai chương trình "Hóa đơn may mắn".

Hai là, triển khai các nghị quyết, chương trình, giải pháp hỗ trợ về phục hồi kinh tế của Chính phủ, Bộ Tài chính, thành phố với phương châm 100% doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng hỗ trợ được biết và thụ hưởng chính sách.

 

Cục Thuế TP. Hà Nội triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho trên 119.400 lượt người nộp thuế, với tổng số tiền trên 30.400 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế giá trị gia tăng được giảm: 16.400 tỷ đồng; tổng số tiền được gia hạn nộp thuế: 14.000 tỷ đồng; trong đó tiền thuê đất được gia hạn là 891 tỷ đồng.

"Các chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đã giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực tài chính từ số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn để xoay vòng vốn, thúc đẩy và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh", lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội đánh giá.

Ba là, triển khai  hiệu quả các giải pháp quản lý và chống thất thu thuế.

Theo đó, Cục Thuế TP. Hà Nội đôn đốc, kiểm soát việc kê khai thuế hàng tháng, quý của người nộp thuế; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng, kịp thời theo đúng quy định của luật.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong công tác thanh kiểm tra thuế, chú trọng việc phân tích rủi ro chuyên sâu dựa trên cơ sở từ các nguồn dữ liệu thông tin trước khi thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Đáng chú ý, cục thuế thành phố triển khai thanh tra kiểm tra các chuyên đề như: giao dịch liên kết, chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử, âm lỗ nhiều năm, hoàn thuế...

Theo đó, năm 2022, Cục Thuế TP. Hà Nội ước hoàn thành 16.512 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 106% chỉ tiêu được phê duyệt, tăng 2% so với cùng kỳ.

 

Tổng số xử lý qua thanh kiểm tra thực hiện 7.881 tỷ; trong đó, tổng số truy thu, truy hoàn và phạt là 3.057 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ: 291 tỷ đồng; giảm lỗ: 4.532 tỷ đồng.

Cùng với đó, chú trọng công tác quản lý đối tượng hộ kinh doanh qua Đề án tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Tính đến nay, cục thuế đã hoàn thành giai đoạn 1- xây dựng sơ đồ số và cập nhật trên trang thông tin điện tử.

Công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được triển khai đồng bộ từ tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, nộp thuế, đưa vào quản lý đối với các hộ gia đình, cá nhân và tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý, đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Trong bối cảnh hậu quả của dịch Covid-19 và giá xăng dầu biến động mạnh tác động bất lợi đến công tác thu hồi nợ thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội hướng tới mục tiêu kép vừa thu hồi nợ thuế, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên tinh thần: tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Tuy nhiên cũng tăng cường công tác quản lý thu hồi nợ thuế, kiên quyết xử lý đối với các đơn vị chây ỳ, có dấu hiệu chiếm dụng tiền thuế.

"Ngoài việc ban hành quyết định cưỡng chế theo các hình thức đối với người nộp thuế nợ thuế theo quy định của pháp luật, cục thuế đã và tiếp tục triển khai các bước quy trình tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế", Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư.

Kết quả triển khai cải cách hành chính thuế, hỗ trợ người nộp thuế của Cục Thuế TP. Hà Nội Nội góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế trên địa bàn, từ đó nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

RÀ SOÁT DOANH NGHIỆP RỦI RO, CÓ DƯ ĐỊA TĂNG THU

Ghi nhận những kết quả nổi bật của Cục Thuế TP. Hà Nội trong công tác thuế năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho hay đóng góp vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị về tài chính – ngân sách có sự đóng góp rất quan trọng của Cục Thuế TP. Hà Nội, 1 trong 2 địa phương trọng điểm về kinh tế của cả nước và về thu ngân sách.

Gợi mở các nhiệm vụ, nhóm giải pháp công tác thuế năm 202, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn lưu ý Cục Thuế TP. Hà Nội cần tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm” đúng theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Đồng thời, "tham mưu cấp có thẩm quyền xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế", Thứ trưởng nêu rõ.

Ngoài ra, đề xuất Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và thành phố xử lý những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đảm bảo mọi đề xuất đúng chủ trương, pháp luật, kịp thời và hiệu quả.

Đề cập đến giải pháp hoàn thành công tác thuế năm 2023, Cục Thuế TP. Hà Nội phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao với mục tiêu trọng tâm là: "Đảm bảo bao quát nguồn thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, chú trọng các giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu thông qua các nhóm giải pháp cụ thể".

 

"Rà soát những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề như: thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng bất động sản... Không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh", Cục Thuế TP. Hà Nội nêu rõ.

Theo đó, Cục Thuế TP. Hà Nội luôn bám sát các chỉ đạo của cấp trên, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao.

Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, tạo môi trường cho doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; đặc biệt chú trọng ứng dụng nền tảng số trong công tác tuyên truyền nhằm lắng nghe vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế.

Đồng thời, chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế. Theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý; kết hợp giữa đôn đốc thu hồi nợ đọng với tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát các quy trình quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động quản lý thuế, trong giải quyết thủ tục hành chính thuế và quản lý nội ngành, hướng tới chuyển đổi số toàn diện.