11:34 06/08/2007

Đầu cơ lành mạnh hay không lành mạnh?

Phạm Chí Dũng

Những động tác giữ giá, ghìm giá, mua vào hoặc bán ra của các nhóm đầu cơ đã dần lộ diện rõ nét hơn

Chỉ có những nhà đầu tư sành sỏi và trường vốn hơn mới cố tiếp tục ôm cổ phiếu để chờ một ngày mai tươi sáng - Arnh: Mạnh Thắng.
Chỉ có những nhà đầu tư sành sỏi và trường vốn hơn mới cố tiếp tục ôm cổ phiếu để chờ một ngày mai tươi sáng - Arnh: Mạnh Thắng.
Vào lúc các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhận ra rằng cho dù có muốn bán ra cổ phiếu với giá lỗ cũng là khó khăn, và cũng bắt đầu lờ mờ nhìn thấy bóng dáng của những con buôn đầu cơ cổ phiếu luôn lởn vởn, lẩn khuất ngay bên cạnh họ, thì mọi sự dường như đã khá muộn.

Đợt suy thoái đáng kể đầu tiên vào đầu tháng 4/2007, và gần nhất là nửa cuối tháng 7/2007 và sang đầu tháng 8, đã chứng minh cho sự thật ấy. 

Những động tác giữ giá, ghìm giá, mua vào hoặc bán ra của các nhóm đầu cơ đã dần lộ diện rõ nét hơn. Cũng rõ ràng, đây là cuộc đấu tâm lý dành cho những người không thuộc loại yếu tim. Và khi những nhà đầu tư non gan nhất bắt đầu rục rịch bán ra cổ phiếu của mình, thì cái tâm lý đám đông vốn trước đây tạo nên một lực hướng tâm khủng khiếp vào sàn, giờ lại biến thành một lực ly tâm lan tỏa khiến cho tất cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ, kể cả một số nhà đầu tư lớn trở nên hoang mang. Làn sóng bán ra cổ phiếu cũng vì thế mà hình thành với biên độ sóng ngày càng cao.

Tất nhiên về mặt lý thuyết, người ta có thể tự trả lời ngay rằng các chỉ số chứng khoán bắt buộc phải nhích lên chứ không thể cứ tụt mãi. Thế nhưng, điều khó ai có thể chắc chắn được là khi nào thị trường chứng khoán sẽ trở lại như cái mốc cao điểm tháng 2/2007. Còn xu hướng chung là giá cổ phiếu vẫn phải giảm về gần với giá trị thực của nó.

Cho đến một lúc, khi những nhà đầu tư mua phải cổ phiếu vào lúc giá của chúng lên đến đỉnh điểm, nhận ra cổ phiếu của họ đã giảm đến 10-15%, thậm chí đến 30% giá trị mua vào, thì tâm lý của họ trở nên từ lo lắng đến hoảng hốt. Khi đó, một bàn tay dù là của nhóm đầu cơ chìa ra mua cổ phiếu của họ vẫn có thể được xem như một ân huệ, đơn giản bởi người bán nhiều mà kẻ mua lại ít.

Chỉ có những nhà đầu tư sành sỏi và trường vốn hơn mới cố tiếp tục ôm cổ phiếu để chờ một ngày mai tươi sáng. Theo cách nhìn của số người này, diễn biến của thị trường chứng khoán hiện nay tùy thuộc rất nhiều vào hành động của các nhóm đầu cơ. Sau khi đã phát động thành công tâm lý và lực hút đối với đám đông người chơi chứng khoán, các nhóm đầu cơ chỉ có việc ngồi rung đùi uống cà phê mà làm giá lên, làm giá xuống, rồi lại làm giá lên.

Vì thế, khi giá cổ phiếu xuống đến mức các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải bán ra phần lớn số cổ phiếu của họ, chỉ giữ lại một số loại cổ phiếu có tiềm năng, các nhóm đầu cơ sẽ lập tức làm động tác thu gom. Và rồi sau đó, một cách hoàn toàn “tự nhiên”, màu đỏ sẽ chuyển dần sang màu xanh mà chẳng cần bất cứ một nỗ lực hay lời khấn nguyện nào từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nhưng vẫn chưa phải hết. Chứng khoán là một cuộc chơi mang tính không khoan nhượng cao nhất trong tất cả các cuộc chơi thương mại. Cái không khí mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ tưởng như phập phù, không ổn định của nó, thật ra lại được quấy đảo bởi những kẻ sẵn sàng thôn tính. Đúng, giá cổ phiếu phải bắt buộc nhích lên, thậm chí có thể còn lên khá cao (tuy không thể ảo như các mức giá gấp 10 – 20 lần giá trị ban đầu như trước đây).

Đó chính là xu thế bắt buộc những nhà đầu tư nhỏ lẻ say máu phải tiếp tục đổ tiền thật ra để mua lấy những cổ phiếu đã được ảo hóa. Không có một mức lợi nhuận nào biến thành tối ưu hơn là lợi ích của các nhóm đầu cơ từ những vụ kiến tạo lên xuống như vậy trong thị trường chứng khoán. Nhưng lợi nhuận của hoạt động đầu cơ lại chẳng bao giờ biết dừng lại. Cho đến khi đại đa số các nhà đầu tư cũ và mới đã gom khá đủ các cổ phiếu do nhóm đầu cơ tung ra bán, thì giá cổ phiếu đương nhiên sẽ không còn tăng nữa, mà một cách hoàn toàn “tự nhiên”, sẽ giảm xuống.

Để đến khi ấy, lại là một đợt suy thoái nữa của thị trường chứng khoán. Duy có điều, tính chất suy thoái càng về sau sẽ càng trầm trọng hơn. Tính trầm trọng đó còn được đo lường bởi sự vắng bóng (hay hình ảnh “bị quét sạch”) của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ trên sàn giao dịch.

Giờ đây trong thị trường chứng khoán ở Việt Nam, khó ai có thể biết được những thông tin của các loại cổ phiếu và ngay cả thực chất của một số doanh nghiệp được đưa lên sàn là đến đâu. Một thị trường chứng khoán thiếu tính minh bạch – người ta đang nói thế. Nhưng còn hơn thế nữa là cách kinh doanh theo kiểu “thông tin nội gián” tại thị trường OTC (và lạ lùng là nhiều nhà đầu tư lại say mê và thậm chí còn tôn sùng khái niệm này), hoạt động đầu cơ vừa tự phát vừa có tổ chức ngày càng rộng và có quy mô, khiến thị trường chứng khoán trở thành một trường học để biến các nhà đầu tư nhỏ lẻ thành nhà đầu cơ.

Và trong hoạt động đầu cơ đó cũng khó có thể phân biệt đâu là “đầu cơ lành mạnh” và đâu là “đầu cơ không lành mạnh”, hết sức mù mờ về ranh giới giữa khái niệm đạo lý tương đối với những trò cờ bạc theo đúng nghĩa đen. Nhưng rõ ràng, tính đầu cơ càng nổi trội, nguy cơ “thanh trừng nội bộ” lại càng cao. Sự thải loại đối với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mang tính tất yếu và được coi là “hợp quy luật”, trong khi những “con cá” lớn hơn đang trở thành đối thủ của nhau.

Có thể xác định, trong lịch sử 7 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, lần đầu tiên hoạt động đầu cơ làm giá được thể hiện một cách quy mô và tinh vi như thời gian vừa qua. Hàng loạt cổ phiếu ít có tên tuổi đã liên tục được những nhóm người nào đó làm giá, và giá được đẩy lên với một tốc độ không tưởng, bất chấp tất cả các quy luật tự nhiên của thị trường chứng khoán, mà ngay cả những động tác kỹ thuật như khớp lệnh liên tục cũng chỉ có ý nghĩa hạn chế phần nào hoạt động đầu cơ.

Đây chính là một cao điểm của đầu cơ, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân nhà đầu tư theo kiểu phong trào mà còn góp phần tạo nên sự hỗn loạn, bất an trong thị trường chứng khoán vốn còn non trẻ ở nước ta.

Cái thực trạng xô bồ của sự đầu cơ rất thiếu trong sáng như đang diễn ra trong thị trường chứng khoán ở nước ta có thể sẽ gây ra những thảm cảnh sạt nghiệp vỡ nợ của không ít người dân và cả doanh nghiệp. Cũng trên cái đà dao động khó lường trước và cùng với sự cảm nhận về một bóng đen đang lảng vảng trên mỗi bước chân của sàn giao dịch, không biết chừng thị trường chứng khoán có thể diễn tiến đến một đợt suy thoái trong không bao lâu nữa?