22:04 08/05/2009

Dấu hiệu kinh tế phục hồi: Cần tránh “ông nói gà, bà nói vịt”

Từ Nguyên

Khi dấu hiệu hồi phục chưa rõ ràng thì những thông điệp và cách điều hành nền kinh tế cần thận trọng

TS. Lê Đăng Doanh - Ảnh: T. Nguyên.
TS. Lê Đăng Doanh - Ảnh: T. Nguyên.
Khi dấu hiệu hồi phục chưa rõ ràng thì những thông điệp và cách điều hành nền kinh tế cần thận trọng.

Khuyến nghị này được TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, đưa ra trong cuộc trao đổi mới đây với VnEconomy.

Ông nói:

- Việc những chỉ số của nền kinh tế đã có bước cải thiện hơn so với hồi đầu năm là một điều tốt, nhưng đó cũng là bình thường. Chẳng hạn như GDP, trong quý 1 là quý có tết Nguyên đán thì sản xuất bị ngưng lại nên tăng trưởng chỉ đạt 3,1% là dễ hiểu. Nhưng đến quý 2, khi mà mọi hoạt động của nền kinh tế đã quay trở lại và nhu cầu về tiêu dùng, xây dựng…có chiều hướng tăng lên thì GDP tiếp tục tăng lên cũng là điều bình thường.

Một số chỉ số khác như: xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp… đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt là đáng mừng. Song chúng ta cũng phải chú ý rằng, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm nay, biểu hàng xuất khẩu chỉ có 6 mặt hàng: vàng bạc, gạo, chè, hạt tiêu, sắn, hàng dệt may là tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2008, nhưng đến 50% số lượng mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng không đáng kể.

Không nên lạc quan tếu

Liệu nền kinh tế đang chuyển biến tốt và có dấu hiệu hồi phục, như một số nhận xét thời gian gần đây, thưa ông?

Để nói rằng những chỉ số tăng trưởng tốt đó là dấu hiệu của hồi phục kinh tế hay chưa, là một vấn đề cần phải thận trọng và cần phải có tiêu chí rõ ràng. Chẳng hạn chúng ta phải nói rõ là GDP tăng trưởng như thế nào thì nền kinh tế mới thực sự hồi phục; mức độ tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu, mức độ tạo công ăn việc làm là bao nhiêu; số người thất nghiệp đã giảm hay chưa…

Tất cả những tiêu chí đó đều phải được đưa ra thảo luận, nếu không thì rất dễ xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, tức là người thì cho là đã hồi phục, người thì bảo chưa, như vậy sẽ làm rối loạn thêm cho nền kinh tế cũng như là các doanh nghiệp.

Hơn nữa, đến thời điểm này, trên thế giới không có một tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nào dám khẳng định rằng họ đã vượt qua đáy khủng hoảng rồi. Tất cả các tuyên bố đều nói rằng, tình hình tiếp tục phức tạp và có thể là cuối năm nay thì kinh tế thế giới có cải thiện, mức tăng trưởng âm có thể giảm đi một tý, chứ không có nghĩa là đã tăng trưởng dương rồi.

Nền kinh tế Việt Nam xuất khẩu chiếm đến 72% GDP, còn nhập khẩu và dịch vụ thì chiếm trên 100% GDP, thì rõ ràng chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới, trong khi các nền kinh tế lớn vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Chính vì thế, nếu nói rằng chúng ta có khả năng hồi phục sớm thì cũng phải nói rõ là hồi phục như thế nào, hồi phục lĩnh vực gì… Theo tôi, điều kiêng kị nhất lúc này là tránh lạc quan tếu, tức là tránh đưa ra những thông điệp quá dễ dãi, như tháng mấy sẽ tăng trưởng trở lại, tháng mấy, tháng mấy sẽ hồi phục...

Tôi chỉ xin lấy ví dụ, Singapore họ nói thẳng là năm nay họ sẽ tăng trưởng âm 8% và mức độ trì trệ do khủng hoảng sẽ kéo dài khoảng 6 năm, để Chính phủ và người dân cùng chuẩn bị tinh thần. Thủ tướng của họ tự trừ vào lương 15% trong suốt thời gian đó.

Với đặc điểm của người dân Việt Nam là khá cầu thị và thực dụng, tôi nghĩ chúng ta cũng nên có một thông điệp theo hướng khuyến cáo tình hình vẫn còn khó khăn, để mọi người cùng nỗ lực thì mới mong nhanh chóng bước ra khỏi cuộc khủng hoảng này.

Còn nếu chúng ta tạo ra một mối lạc quan tếu, cho rằng mọi việc đã “phơi phới” rồi, trong khi tình hình chưa có chuyển biến nhiều thì sẽ rất nguy hại. Chúng ta cần phải nghiêm túc với khẩu hiệu: “nhìn thẳng vào sự thật, hiểu rõ sự thật và nói đúng sự thật”.

Vậy, theo ông thì nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ rơi vào mô hình nào trong 4 mô hình hồi phục kinh tế mà các chuyên gia đưa ra vừa qua?

Theo tôi, mô hình mà chúng ta nên tránh và có thể tránh được là mô hình chữ “L”, tức là nằm mãi dưới đáy mà không thoát lên được, giống như Singaore và Nhật Bản. Chúng ta có một nền nông nghiệp khá hiệu quả vì các sản phẩm này có thị trường khắp thế giới và phù hợp với diều kiện suy thoái kinh tế.

Do vậy, với điều kiện chúng ta có cải cách mạnh mẽ, đổi mới cấu trúc của nền kinh tế thì có thể kinh tế sẽ tăng trưởng theo hình chữ “V” và đây là kịch bản mơ ước.

Nhưng quan điểm của tôi thì khả năng dễ xảy ra nhất của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng theo chữ “W”, tức là vẫn có lên, rồi lại xuống, lại lên… do cách điều hành, quản lý và triển khai thực hiện của chúng ta vẫn chưa ổn định và còn nhiều điều phải bàn.

Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng, khi mà các gói kích cầu liên tục được thực hiện thì khả năng quay trở lại lạm phát cũng rất lớn?

Đúng vậy, theo tôi thì những tín hiệu về chính sách tiền tệ là rất cần phải chú ý, bởi hiện nay tổng cung của phương tiện thanh toán đã tăng lên 11,4 %, cao hơn rất nhiều so với 5,3% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có nghĩa là chúng ta đã bơm tiền tăng cung tín dụng rất nhiều.

Bên cạnh đó, nếu giá dầu tiếp tục tăng lên, kéo theo một số mặt hàng khác tăng theo thì khả năng quay trở lại của lạm phát là hoàn toàn có thể.

Cần xem lại điều hành giá

Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực chống suy giảm kinh tế, nhưng đồng thời Nhà nước lại liên tiếp cho tăng giá xăng dầu. Theo ông điều này có hợp lý hay không?

Đây là một vấn đề cần phải được làm rõ. Trước đây, khi giá xăng thế giới là 147 USD/thùng thì giá xăng trong nước là 14.000 đồng/lít. Thế nhưng, hiện nay giá xăng thế giới là 55 USD/thùng thì chúng ta lại tiếp tục cho tăng giá xăng lên 12.500 đồng/lít.

Thử hỏi, nếu giá xăng thế giới chỉ cần tăng thêm 20 USD/thùng nữa thì chắc chắn giá xăng trong nước sẽ lại tiếp tục leo thang. Hơn nữa, so với giá xăng của Trung Quốc và các nước trong khu vực thì giá xăng của chúng ta đã cao hơn rất nhiều rồi.
 
Do vậy, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay, nếu cứ liên tục tăng giá đầu vào thì chỉ có “phép màu” mới giúp các doanh nghiệp của chúng ta có thể cạnh tranh được.

Ngoài ra, giá điện của chúng ta cũng có vấn đề, đặc biệt là cách tính giá điện cao điểm vào buổi sáng. Hiện nay, điện vẫn là sản phẩm độc quyền, họ muốn tăng giá để gây sức ép cho các doanh nghiệp tránh giờ cao điểm đó, nhưng họ lại không thể đưa ra cho doanh nghiệp một lối thoát khả thi.

Tức là ông cho rằng, việc tăng giá điện, giá xăng liên tục là đi ngược lại với mục tiêu chống suy giảm kinh tế?

Cái đó thì cũng đã có nhiều ý kiến rồi. Còn theo tôi, việc tăng giá này còn đi ngược lại với mục tiêu kiềm chế lạm phát và mục tiêu giữ ổn định đời sống của nhân dân, bởi đơn giản, giá xăng lên thì chắc chắn giá các hàng hóa khác, giá vận tải cũng sẽ tăng theo.