20:24 27/04/2021

Dấu hỏi xung quanh vụ lùm xùm nhà đầu tư nước ngoài che dấu thông tin giao dịch cổ phiếu PVI

HDI Global SE đã vi phạm quy định pháp luật, vậy các Nghị quyết Đại hội cổ đông thời kỳ nhà đầu tư này nắm quyền quản trị tại Công ty Cổ phần PVI có còn giá trị hay không?

Nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu trên 49% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại PVI trước ngày 19/4/2019 là vi phạm
Nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu trên 49% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại PVI trước ngày 19/4/2019 là vi phạm

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về tính pháp lý của vụ việc HDI Global SE (địa chỉ trụ sở chính: HDI-Platz 1, 30659 Hannover, Cộng hòa Liên bang Đức) bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra Quyết định xử phạt hành chính vì đã thông qua các đơn vị liên quan để thực hiện giao dịch cổ phiếu nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin đang đặt ra.

CHE GIẤU GIAO DỊCH ĐỂ TĂNG TỶ LỆ NẮM GIỮ CỔ PHIẾU

Theo Quyết định xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 31/1/2021 HDI Global SE và các đơn vị liên quan sở hữu 54,64% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty Cổ phần PVI, vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.

Cụ thể, HDI Global SE đang sở hữu tổng cộng 126.297.216 cổ phiếu PVI. Trong đó có 83.711.071 cổ phiếu PVI sở hữu trực tiếp, 27.117.895 cổ phiếu PVI được sở hữu thông qua Funderburk Lighthouse Limited và 15.468.250 cổ phiếu PVI được HDI Global SE sở hữu thông qua Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời.

Như vậy, tổng số cổ phiếu HDI Global SE đang sở hữu trực tiếp và sở hữu thông qua các đơn vị liên quan chiếm 54,64% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty cổ phần PVI.

Con số này vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Công ty cổ phần PVI trước ngày 19/4/2019.

Ngày 19/4/2019 là thời điểm Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra thông báo số 2469/UBCK – PTTT về việc PVI được mở room tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 100% mức vốn điều lệ. Đây cũng là thời điểm Trung tâm lưu ký Chứng khoán Nhà nước chính thức cập nhật tỷ lệ sở hữu nước ngoài của PVI trên hệ thống nhà đầu tư nước ngoài.

 

Các nghị quyết Đại hội cổ đông PVI trong những lần họp trước, khi HDI Global SE đang nắm quyền quản trị PVI có giá trị hay không khi mà bên nắm quyền có được quyền từ sai phạm?

Như vậy, nếu nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu trên 49% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại PVI trước ngày 19/4/2019 là vi phạm Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Ngoài việc bị phạt tiền HDI Global SE còn phải thực hiện việc chuyển nhượng cổ phiếu trong thời hạn tối đa 60 ngày để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định. Như vậy, khi HDI Global SE chuyển nhượng cổ phiếu để giảm tỷ lệ theo quy định thì đơn vị này cùng các bên liên quan chỉ còn được nắm giữ tối đa 49% cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là ai sẽ nắm quyền quản trị PVI khi mà bên nằm quyền đã vi phạm quy định trong những năm qua để được nắm quyền.

Bên cạnh đó, các nghị quyết Đại hội cổ đông PVI trong những lần họp trước, khi HDI Global SE đang nắm quyền quản trị PVI có giá trị hay không khi mà bên nắm quyền có được quyền từ sai phạm?.

Cùng với đó là vấn đề pháp lý về hiệu lực của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông PVI khi HDI Global SE đang nắm quyền quản trị đã loại bỏ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ra khỏi phạm vi nội dung hoạt động của PVI để trở thành công ty đại chúng sở hữu 100% vốn nước ngoài.

BỘ TƯ PHÁP KHẲNG ĐỊNH CÓ SAI PHẠM

Phóng viên Vneconomy đã tiếp cận được Văn bản số 541/QLXLVPHC&TDTHPL-XLHC do Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật thay mặt Bộ Tư pháp gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 22/10/2020 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Văn bản số 541 khẳng định, HDI Global SE có hành vi thực hiện một số giao dịch nhằm che dấu quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin và hành vi vi phạm tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến việc HDI nắm cổ phần chi phối tại PVI.

Như vậy, với việc thực hiện hành vi “vi phạm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một công ty đại chúng” sau khi thực hiện một loạt hành vi vi phạm “thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che dấu quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin” mà HDI Global SE đã trở thành cổ đông chi phối, nắm quyền quản trị, chủ động loại bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện để trở thành công ty đại chúng sở hữu 100% vốn nước ngoài.

Do đó, việc xem xét, xác định giá trị hiệu lực của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông PVI, cũng như việc loại bỏ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ra khỏi phạm vi nội dung hoạt động của PVI để trở thành công ty đại chúng sở hữu 100% vốn nước ngoài cần được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng liện quan thực hiện bởi đây là hệ quả trực tiếp của các vi phạm hành chính do HDI Global SE cùng các tổ chức có liên quan thực hiện.

Trong trường hợp này, giữa các vi phạm hành chính do HDI Global SE và các tổ chức liên quan thực hiện và nội dung của Nghị quyết Đại hội đồng cổ động PVI thì việc thay đổi địa vị pháp lý của PVI từ công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49% trở thành công ty đại chúng sở hữu 100% vốn nước ngoài có mối quan hệ nhân quả trực tiếp.

Do đó, cần xem xét về tính hợp pháp của các vấn đề trên khi chúng là hệ quả của hành vi trái pháp luật.

Ngoài ra, Văn bản 541 còn nhấn mạnh, vụ việc vi phạm có nhiều dấu hiệu thể hiện sự cấu kết, thông đồng giữ HDI Global SE và Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời để cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tức là thuộc trường hợp vi phạm hành chính có tổ chức.

Do đó, trong quá trình xử lý vụ việc, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt cần xác minh, làm rõ vai trò của Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời trong vụ việc này để xác định có hay không vi phạm hành chính có tổ chức.

Trường hợp có đầy đủ tài liệu, căn cứ xác định được rõ vai trò, hành vi vi phạm hành chính của Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời thì cơ quan, người có thẩm quyền ngoài việc xử phạt hành chính đối với HDI Global SE thì cần phải tiến hành xử phạt hành chính đối với cả Công ty Cổ phần Con đường Mặt trời và áp dụng tình tiết tăng nặng là “vi phạm hành chính có tổ chức” để đảm bảo không bỏ lọt, bỏ sót các đối tượng vi phạm có liên quan trong vụ việc này.

 

Vụ việc vi phạm có nhiều dấu hiệu thể hiện sự cấu kết, thông đồng giữ HDI Global SE và Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời để cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tức là thuộc trường hợp vi phạm hành chính có tổ chức.

Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp qua Văn bản số 541 thì nhóm cổ đông HDI Global SE không được nắm quyền quản trị PVI và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc loại bỏ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ra khỏi phạm vi nội dung hoạt động của PVI để trở thành công ty đại chúng sở hữu 100% vốn nước ngoài cũng vô hiệu.

PVI chưa phải là công ty đại chúng sở hữu 100% vốn nước ngoài.