Đầu năm 2018, thế giới hứng loạt vụ tai nạn máy bay chết người
3 vụ rơi máy bay khiến 170 hành khách thiệt mạng trong vòng hơn 4 tuần qua
3 vụ rơi máy bay khiến 170 hành khách thiệt mạng trong vòng hơn 4 tuần qua cho thấy một sự thay đổi lớn so với năm 2017 - năm an toàn nhất từ trước đến nay của ngành hàng không thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, trong cả năm ngoái, chỉ có 5 hành khách mua vé thiệt mạng trong 2 vụ rơi máy bay từ 14 chỗ ngồi trở lên. Ngoài ra, không có một hành khách nào thiệt mạng liên quan đến máy bay sử dụng động cơ phản lực.
Trong khi đó, chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi đầu tiên của năm 2018, số người chết vì máy bay rơi trên thế giới đã tăng mạnh, trong đó có vụ rơi máy bay phản lực đầu tiên kể từ cuối năm 2016. Xu hướng này cho thấy mức độ rủi ro khá cao khi đi trên những loại máy bay cỡ nhỏ, đặc biệt là những máy bay sử dụng động cơ turbin cánh quạt (turboprop), ở những khu vực có địa hình hiểm trở và hạ tầng sân bay lạc hậu, thiếu các thiết bị điều hướng hiện đại.
"Ngành hàng không năm nay có vẻ không còn an toàn như năm 2017", ông Paul Hayes, Giám đốc an toàn thuộc công ty tư vấn hàng không Ascend FlightGlobal có trụ sở ở London, phát biểu, nhấn mạnh việc có ba vụ tai nạn chết người chỉ trong vòng vài tuần.
Trong số này có vụ rơi máy bay của hãng hàng không Bangladesh có tên US-Bangla Airlines tại sân bay Nepal khiến 45 hành khách thiệt mạng.
Đây được xem là vụ tai nạn hàng không gây chết người điển hình của mấy năm gần đây. Máy bay gặp nạn là loại chạy động cơ turbin cánh quạt - một chiếc Bombardier Dash 8. Nơi xảy ra tai nạn, sân bay Kathmandu, bị vây quanh bởi những dãy núi và nổi tiếng là một nơi hạ cánh đối với các phi công.
Trước đó, vào hôm 18/2, một vụ rơi máy bay của hãng hàng không Iran Aseman Airlines đã khiến 60 hành khách thiệt mạng. Đó cũng là một máy bay turboprop, chiếc ATR 72 do Airbus và Leonardo SpA sản xuất. Máy bay rơi sau khi va chạm với một ngọn núi cao gần 4.000 mét.
Hai vụ máy bay chở khách rơi trong năm 2017 cũng đều là máy bay động cơ turbin cánh quạt. Bao gồm vụ rơi chiếc ATR 42 ở Canada khiến 1 người thiệt mạng, và vụ chiếc Let L-410 do Czech sản xuất gặp tai nạn ở Nga khiến 5 người thiệt mạng.
Ông Hayes nói rằng vấn đề có thể không nằm ở loại máy bay hay công tác bảo trì máy bay, mà nằm ở các tuyến bay mà máy bay đó được sử dụng. "Máy bay turboprop thường hoạt động ở những tuyến bay có độ nguy hiểm cao hơn. Ở những nơi như Papua New Guine, đường xá thường rất khó khăn và chỉ có thể đi máy bay. Nhưng núi cao và mây mù khiến việc bay trở nên kém an toàn hơn", ông nói.
Hôm 11/2, một máy bay Antonov An-148 do Nga sản xuất đã bị rơi sau khi cất cánh không lâu từ Moscow, khiến 65 hành khách thiệt mạng.
Trước đó, vụ rơi máy bay phản lực gần nhất xảy ra vào tháng 11/2006, khi chiếc Avro RJ85 của do BAE Systems sản xuất bị rơi ở Columbia khiến 73 người thiệt mạng.