"Đầu tư cho trẻ hôm nay để có nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai"
"Việc đầu tư cho trẻ hôm nay để có một thế hệ phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong tương lai là việc làm hết sức ý nghĩa và quan trọng"
"Việc đầu tư cho trẻ hôm nay để có một thế hệ phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong tương lai là việc làm hết sức ý nghĩa và quan trọng".
Quan điểm trên được ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng liên tục nhắc đến trong Ngày hội Sữa học đường do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Được biết, thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên ở miền Trung và là một trong 5 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai sớm nhất chương trình Sữa học đường.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chỉ còn 0,4%
Đề án Sữa học đường tại Đà Nẵng giai đoạn đầu (2016-2017) từng được thực hiện tại 5 quận, huyện nơi có trẻ em khó khăn ở tất cả các loại hình cơ sở giáo dục mầm non. Cho đến năm học 2018-2019, quy mô chương trình được mở rộng ra phạm vi toàn thành phố với sự tham gia của 330 trường học, cơ sở giáo dục với số lượng trẻ tham gia uống sữa là hơn 47.000 trẻ em.
Trong phát biểu của mình về Đề án Sữa học đường, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiều lần nhắc đến ý nghĩa nhân văn của Chương trình Sữa học đường đang được triển khai.
Theo ông Chinh, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm phát triển toàn diện về tầm vóc, trí tuệ, thể lực của người Việt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống, Chương trình Sữa học đường đặt nền tảng cho sự phát triển và trưởng thành của trẻ ở cấp học tiếp theo. Việc đầu tư cho trẻ hôm nay để có một thế hệ phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong tương lai là việc làm hết sức ý nghĩa và quan trọng.
Để minh chứng, ông Chinh cho biết, sau thời gian thực hiện chương trình Sữa học đường kết hợp với sự quan tâm chăm sóc của gia đình và nhà trường, đa số trẻ đều được cải thiện về thể lực và trí tuệ, trẻ khoẻ mạnh, thông minh, nhanh nhạy và chú ý hơn trong các hoạt động, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi của Đà Nẵng chỉ còn 0,4%.
"Đề án Sữa học đường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, tạo tâm thế phấn khởi cho phụ huynh, đặc biệt những phụ huynh là công nhân tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn", ông Chinh chia sẻ.
Tiếp tục đồng lòng
"Lãnh đạo thành phố ghi nhận những kết quả tích cực mà chương trình Sữa học đường mang lại. Giai đoạn năm 2018 -2020, để tiếp tục phát huy hiệu quả từ Đề án này rất cần sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, ngành, địa phương của Thành phố; các quận huyện, các nhà trường và đặc biệt là sự ủng hộ mạnh mẽ của cha mẹ học sinh", ông Chinh khẳng định. Đồng thời ông cũng đề nghị: "Ban chỉ đạo Đề án Sữa học đường các cấp cần triển khai, giám sát, hướng dẫn cho trẻ uống sữa khoa học, hợp lý. Từ đó có những đánh giá cụ thể để có thể tiếp tục triển khai hiệu quả hơn ở những năm tiếp theo".
Bà Phạm Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, Sở đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban ngành trong quá trình thực hiện chặt chẽ, theo dõi các bảng biểu, kiểm tra từ việc lưu trữ sữa, cách thức cho các con uống như thế nào, tìm hiểu tâm tư và cả những trăn trở của phụ huynh để thực hiện chương trình Sữa học đường ngày càng tốt hơn.
Tại Đà Nẵng, chương trình còn có "đường dây nóng" để tiếp nhận, giải đáp những phản ánh, băn khoăn thắc mắc của các nhà trường, phụ huynh trong quá trình triển khai chương trình này. Điều này là minh chứng rõ nét và đã tạo niềm tin về sự minh bạch, chuyên nghiệp trong việc triển khai chương trình.
Cũng đánh giá rất cao về Chương trình Sữa học đường, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, để làm nên một chương trình Sữa học đường an toàn, hiệu quả không phải là chuyện đơn giản, mà đó là kết quả của cả một quá trình làm việc nghiêm túc, dài lâu với nhiều sự nỗ lực, chung sức của các bên liên quan. Từ khâu đầu tư vùng sữa tươi nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, kiểm tra thành phẩm, vận chuyển đến các cơ sở giáo dục...
"Vinamilk đã chứng minh được uy tín và thương hiệu của mình bằng cách nghiên cứu, đầu tư kĩ lưỡng và minh bạch trong từng khâu sản xuất nhằm đảm bảo độ tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm của từng hộp sữa khi giao đến tay các em học sinh mẫu giáo và tiểu học được thụ hưởng chương trình, cố gắng không để xảy ra bất kì trường hợp ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian vừa qua", ông Trung chia sẻ.