09:14 24/07/2008

Đầu tư chứng khoán: REE, thất bại và nguyên do

MINH ĐỨC

Thị trường biến động khó lường, hoạt động đầu tư thiếu dứt khoát và triệt để được xác định là hai nguyên chính

Năm 2008, REE vẫn có thể đạt lợi nhuận khoảng 220 tỷ đồng.
Năm 2008, REE vẫn có thể đạt lợi nhuận khoảng 220 tỷ đồng.
Thị trường biến động khó lường, hoạt động đầu tư thiếu dứt khoát và triệt để được xác định là hai nguyên chính.

Kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam (mã REE, sàn HOSE), đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Sự chú ý đó có từ tính điển hình của một doanh nghiệp có quy mô lớn, kinh doanh đa ngành, sở hữu cổ phiếu có ảnh hưởng lớn trên sàn; và cũng là một điển hình khó khăn trong hoạt động đầu tư khi thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm kéo dài.

Phiên họp thường kỳ của Hội đồng Quản trị REE đã đưa ra một số phân tích đáng chú ý liên quan đến những khó khăn đó.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của REE, tổng số chứng khoán công ty này đã bán ra là 912.520 chứng khoán, tương ứng với 44,6 tỷ đồng và tổng mức lỗ là 10,2 tỷ đồng. Tổng mức trích dự phòng và lỗ đầu tư tài chính trong thời gian trên là 268,4 tỷ đồng, trong đó quý 1/2008 là 160,6 tỷ đồng và quý 2 là khoảng 107,7 tỷ đồng và kết chuyển từ dự phòng sang lỗ là 20,7 tỷ đồng (mã HPG và ANV). Và tổng mức trích dự phòng bao gồm cả năm 2007 tới thời điểm 30/6/2008 là 316,9 tỷ (năm 2007 là 48,5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tính tới thời điểm 15/7/2008, số trích dự phòng có thể hoàn lại là 46,7 tỷ đồng (do giá chứng khoán tăng trở lại).

Việc thực hiện trích dự phòng nói trên đã ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Công ty, làm cho tổng lỗ 6 tháng đầu năm 2008 là 162,6 tỷ đồng. Một số bình luận cho rằng REE đã “dũng cảm” thực hiện việc trích lập này và sớm công bố cụ thể với cổ đông, nhà đầu tư.

Cũng theo báo cáo trên, tính đến ngày 30/6/2008, tổng vốn đầu tư chứng khoán của REE là 1.252 tỷ đồng; trong đó chứng khoán niêm yết là 753 tỷ đồng, chiếm 60,18% và chứng khoán OTC là 498 tỷ đồng, chiếm 39,82%. Các chứng khoán OTC trong danh mục của công ty này chủ yếu là để đầu tư dài hạn.

Thiếu dứt khoát và triệt để

Tại phiên họp thường kỳ vừa qua của Hội đồng Quản trị REE, kết quả đầu tư nói trên được đánh giá là bài học sâu sắc cho Tổng giám đốc và bộ phận đầu tư của Công ty.

Tổng giám đốc điều hành Nguyễn Thị Mai Thanh cũng thẳng thắn thừa nhận rằng đó là một kết quả thất bại trong đầu tư. “Tổng giám đốc là người chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi xin nhận sự yếu kém này trước Hội đồng Quản trị và cổ đông”, bà Thanh nói.

Theo phân tích chung của REE, biến động của thị trường đối với kết quả đầu tư nói trên chỉ là một phần và sự việc đã được biết trước; trong khi đó, sự thiếu kinh nghiệm và hành động thiếu dứt khoát là nguyên nhân chính.

Vì sao REE không có hành động bán cổ phiếu trong danh mục đầu tư khi giá chưa trượt nhiều? Có hai lý giải được đưa ra trước Hội đồng Quản trị: Thứ nhất, về mặt chủ quan cũng như dựa trên các đánh giá của các tổ chức tài chính/quỹ đầu tư trong và ngoài nước, Ban điều hành đã không lường trước được thị trường lại trượt sâu như thời gian qua. Thứ hai, mặc dù đã có nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc thanh khoản một số cổ phiếu trong danh mục nhưng Ban điều hành và bộ phận đầu tư không hành động dứt khoát và triệt để.

Có thể thấy hai lý giải trên có ở nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức khác; đặc biệt là trước biến động khó lường của thị trường kể từ đầu năm 2008 đến nay.

Ngoài ra, liên quan đến tổng lợi nhuận của Công ty trong 6 tháng đầu năm, những biến động của nền kinh tế cũng đã gây nhiều khó khăn; nổi bật là ảnh hưởng từ tỷ giá, lạm phát và giá cả nguyên liệu, linh kiện đầu vào tăng cao.

Điển hình như trong hoạt động kinh doanh máy điều hòa nhiệt độ Reetech, tỷ giá USD/VND của ngân hàng so với tỷ giá thị trường có thời điểm chênh lệch đến 10%, Công ty càng bán càng lỗ vì chủ yếu nguồn linh kiện, thiết bị đầu vào là nhập khẩu, bán bằng VND thu về mua USD theo tỷ giá thị trường để thanh toán có thể lỗ ngay từ 4% - 8%...

Như vậy, đến hết quý 2/2008, REE đã báo cáo lỗ 162,6 tỷ đồng, chủ yếu ảnh hưởng từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Điều mà cổ đông, nhà đầu tư chờ đợi là từ nay đến cuối năm Công ty sẽ có định hướng nào để có thể đảm bảo kết quả chung của năm 2008 có lãi?

Kế hoạch được đặt ra là tiếp tục đảm bảo hoạt động của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kỹ thuật Cơ Điện Lạnh R.E.E (R.E.E M&E JSC.) và Công ty Cổ phần Điện máy R.E.E (sản phẩm chủ lực là máy điều hòa Reetech) có lợi nhuận 100 tỷ đồng; hoạt động cho thuê bất động sản có thể đạt 144 tỷ đồng; bán ra một lượng chứng khoán theo giá kỳ vọng, cụ thể hóa lợi nhuận khoảng 60 tỷ đồng; bán một số dự án bất động sản lãi 100 tỷ đồng…

Với những kết quả trên, sau khi trừ đi 280 tỷ đồng dự phòng, REE vẫn có thể đạt lợi nhuận năm 2008 khoảng 220 tỷ đồng.