06:00 07/03/2022

Đầu tư mới, nâng cấp 1.166km cao tốc đến năm 2050 tạo đà bứt phá đất "Chín Rồng"

Ánh Tuyết

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông sắp được triển khai để phá "điểm nghẽn" tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, sẽ xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km cao tốc, 400 km đường quốc lộ, phát triển 13 cảng biển, nâng cấp 4 cảng hàng không...

Tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường bộ cao tốc tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm 3 trục dọc và 3 trục ngang.
Tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường bộ cao tốc tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm 3 trục dọc và 3 trục ngang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gồm vùng đất bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

NHIỀU DỰ ÁN CAO TỐC "KHỦNG" SẮP TRIỂN KHAI

Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao, duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030 và tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021. Năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%, công nghiệp - xây dựng khoảng 32%, dịch vụ khoảng 46%, thuế và trợ cấp khoảng 2%.

Để tạo đà bứt phá cho tăng trưởng khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long và đạt được những mục tiêu nêu trên, quy hoạch nêu rõ: "Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa".

 

Đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, mục tiêu đề ra là đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 400 km đường quốc lộ.

Cụ thể, theo quy hoạch, về đường bộ, với hệ thống đường bộ cao tốc trong vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Cụ thể, các trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau) dài khoảng 245 km, quy mô 4 - 6 làn xe.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi) dài khoảng 180 km, quy mô 6 làn xe. Tuyến cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài khoảng 150 km, quy mô 4 làn xe.

Các trục ngang gồm tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài khoảng 191 km, quy mô 6 làn xe. Tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài khoảng 212 km, quy mô 4 làn xe. Tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài khoảng 188 km, quy mô 4 làn xe.

Do khu vực đồng bằng sông Cửu Long có địa hình chia cắt, địa chất phức tạp nên suất đầu tư các công trình giao thông của vùng rất lớn. Vì vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện vẫn còn rất hạn chế, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng. 

Hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới có khoảng 150 km cao tốc đang khai thác, gồm tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đối với hệ thống quốc lộ, tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ chính yếu, đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương chưa có đường cao tốc, bao gồm các Quốc lộ: N1, 1, 50, 60, 61C, 62, 30, 80, 91, 63, đường Nam sông Hậu, đường Quản Lộ với tổng chiều dài dự kiến khoảng 1.815 km; quy mô theo quy hoạch (cấp IV- II, 2-6 làn xe); duy trì khai thác ổn định các tuyến quốc lộ thứ yếu với tổng chiều dài khoảng 2.351 km (cấp IV- II, 2- 4 làn xe).

"Rà soát để đầu tư, cải tạo các cầu trên các tuyến quốc lộ chính yếu và thứ yếu hiện có đang bị hạn chế tải trọng, không đảm bảo tĩnh không nhằm nâng cao hiệu quả vận tải trên toàn mạng lưới tại vùng, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý, bảo trì công trình, nâng cao hiệu quả khai thác trên toàn mạng lưới", Quyết định nêu rõ.

Đối với tuyến đường bộ ven biển, do địa phương đầu tư đảm bảo phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến tuyến đi qua các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài khoảng 788 km.

Đối với các tuyến đường liên tỉnh, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các tỉnh trong vùng.

Cụ thể, gồm tuyến Khánh Bình - Chợ Mới (An Giang) - Lấp Vò (Đồng Tháp) dài khoảng 85 km; tuyến An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang từ Quốc lộ N1 đến Quốc lộ 61C dài khoảng 130 km; Tuyến Tiền Giang - Long An - kết nối vào Quốc lộ 50 về TP.HCM dài khoảng 30 km; tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) dài khoảng 77 km.

TẬP TRUNG NÂNG CẤP HẠ TẦNG ĐƯỜNG THUỶ, HÀNG HẢI, PHÁT HUY LỢI THẾ VÙNG

Về đường thủy nội địa, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, nâng cao thị phần vận tải container.

Trong đó, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối của vùng thông qua hành lang vận tải thủy chính là TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau khối lượng vận tải khoảng 99 - 105 triệu tấn; TP.HCM – An Giang - Kiên Giang có khối lượng vận tải khoảng 55,2 - 58,5 triệu tấn.

Hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu có khối lượng vận tải khoảng 12,7 - 15,3 triệu tấn và hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang có khối lượng vận tải khoảng 62,5 + 70 triệu tấn.

Cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa chính trên các hành lang vận tải trong vùng được quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp IV trở lên.

 

Về hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, phát triển 13 cụm cảng hàng hóa đảm bảo tổng công suất hàng hóa thông qua ước tính đạt trên 53 triệu tấn/năm; 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực thông qua ước tính đạt 31 triệu lượt hành khách/năm.

Hệ thống cảng chuyên dùng phát triển theo nhu cầu vận tải phục vụ trực tiếp và phù hợp với quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đóng mới sửa chữa phương tiện, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Đối với việc phát triển đường thủy nội địa do địa phương quản lý, bố trí và phát triển cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy địa phương và cảng hành khách, cảng chuyên dùng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy quốc gia trong quy hoạch tỉnh phù hợp với tổ chức không gian và phân vùng chức năng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch các cụm cảng.

Về hàng hải, hệ thống cảng biển trong vùng đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu hàng hóa từ 64 - 80 triệu tấn, trong đó, hàng container từ 0,6 - 0,8 triệu TEU, hành khách từ 6,1 - 6,2 triệu lượt. Đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5 - 6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân 1,1 - 1,25%.

Quy hoạch nêu rõ, cảng biển loại I bao gồm: Cảng Cần Thơ, Trà Vinh, Long An. Cảng biển loại II gồm: Cảng biển Đồng Tháp, Hậu Giang. Cảng biển loại III gồm: Cảng biển Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bến cảng Hòn Khoai (tại đảo Hòn Khoai) định hướng thành bến cảng tổng hợp tiềm năng phát triển có điều kiện phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư.

Nâng cấp, cải tạo, duy trì các tuyến luồng hàng hải trong vùng để đảm bảo hoạt động ổn định và phù hợp với năng lực khai thác của hệ thống cảng biển, trong đó, chú trọng cải tạo, nâng cấp các luồng chính gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.

Ngoài ra, về đường sắt, quy hoạch chỉ rõ, mạng lưới đường sắt trong vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 1 tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ chiều dài khoảng 174 km, khổ đường 1.435 mm.

Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đóng vai trò cảng hàng không phục vụ khách du lịch quốc tế và trong nước.

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là trung tâm đầu mối phát triển logistics hàng không của vùng. Cảng hàng không Rạch Giá và Cà Mau, ngoài vai trò là cảng hàng không nội địa, còn đóng vai trò là trung tâm đào tạo, huấn luyện bay.

Quy mô đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cấp 4E, công suất 7 triệu lượt hành khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cấp 4E, công suất 10 triệu lượt hành khách/năm. Cảng hàng không Rạch Giá cấp 4C, công suất 0,5 triệu lượt hành khách/năm. Cảng hàng không Cà Mau cấp 4C, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm.