18:02 29/03/2010

Đầu tư sân bóng không “dễ ăn”

“Dù lượm bạc cắc nhưng ngày nào cũng có thu và đầu tư một lần là có thể thu hàng chục năm”

Người dân khó tìm thuê chỗ chơi bóng vào thứ Bảy, Chủ Nhật.
Người dân khó tìm thuê chỗ chơi bóng vào thứ Bảy, Chủ Nhật.
Đã có trên 1.000 sân bóng đá mini, nhưng nhiều cá nhân, công ty bất động sản trên địa bàn Tp.HCM vẫn tiếp tục đầu tư vào phân khúc khá hẹp này, cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Theo tổng hợp thông tin từ các chủ đầu tư sân bóng đá mini, chỉ cần bỏ ra từ 300 - 500 triệu đồng là có thể xây dựng một sân bóng đá mini “tầm trung” cho năm người chơi. Nếu muốn đầu tư một sân lớn hơn một chút thì số vốn dao động từ 1 - 1,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, tuỳ vào diện tích đất rộng hay hẹp, ở ngoại hay nội thành mà chi phí về đất có thể nhiều hoặc ít.

Vốn đầu tư ít

Chị Lê Hồng, chủ sân Bình Trị Đông A, trên Hương lộ 2, quận Bình Tân cho biết, gia đình chị có một miếng đất rộng 3.000 m2. Do đất nông nghiệp nên việc chuyển đổi mục đích khó khăn. Ban đầu chị định lập dự án xây dựng mấy căn nhà để bán hoặc xây nhà trọ cho thuê. Tuy nhiên, trước tình hình giá nhà đất liên tục giảm và không ai mua, cộng thêm vốn làm nhà cũng không đủ nên chị quyết định làm một sân bóng đá mini.

“Tình cờ một lần đi chơi nhà người bạn nằm kế một sân bóng đá, tìm hiểu biết chủ sân ăn nên làm ra, nên tôi đã quyết định đầu tư sân bóng đá”, chị Hồng cho biết.

Theo tính toán của chị Hồng, tổng chi phí đầu tư cho sân bóng khoảng 2 tỉ đồng. Số tiền này ít hơn nhiều so với việc đầu tư xây dựng một khu nhà cho thuê. Về hiệu quả kinh doanh, theo chị Hồng là “ngày nào cũng có nguồn thu ổn định”. Hiện mỗi tháng, trừ hết chi phí, chị thu về khoảng trên dưới 40 triệu đồng.

Trong khi đó, tại sân bóng đá Linh Đông, quận Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Sinh, quản lý ở đây cho hay số vốn đầu tư ban đầu là 1,6 tỉ đồng bao gồm cho việc san lấp mặt bằng, trồng cỏ, hệ thống chiếu sáng, bảo dưỡng sân… Hiện sân bóng này đã đi vào hoạt động ổn định, lượng khách đến sân ngày càng đông, nên mỗi ngày ông thu từ tiền vé và bán đồ ăn uống, dịch vụ… hơn 2 triệu đồng.

Lợi nhuận không cao như làm văn phòng, khách sạn, chung cư… nhưng theo ông Sinh: “Dù lượm bạc cắc nhưng ngày nào cũng có thu và đầu tư một lần là có thể thu hàng chục năm”.

Theo khảo sát, hiện giá thuê sân bóng đá mini ở khu vực ngoại thành Tp.HCM từ 150 - 200 ngàn đồng/giờ (ban ngày). Riêng thời gian được gọi là giờ vàng (từ 17 - 21 giờ) và các ngày thứ bảy, chủ nhật thì tiền thuê sân có thể lên 250 - 300 ngàn đồng/giờ. Trong khi đó, giá thuê sân ở khu vực trung tâm cao hơn, từ 200 - 400 ngàn đồng/giờ. Nhiều sân ở Kỳ Hoà vào những giờ cao điểm giá thuê lên đến 500 ngàn đồng/giờ. Mặc dù giá thuê sân khá đắt nhưng đôi khi không phải cứ a lô là khách có sân ngay để chơi mà phải đặt tiền cọc cho cả tháng mới có.

Không phải làm là “thắng”

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty Quốc Tế Việt – chuyên về đầu tư, xây dựng sân cỏ, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 sân bóng đá mini, tập trung chủ yếu ở các quận huyện ngoại thành.

“Sở dĩ các sân bóng đá mini phát triển chủ yếu ở ngoại thành vì việc tìm mặt bằng dễ hơn nội thành, mặt khác giá mua hoặc thuê đất cũng dễ chịu hơn”. Còn ông Dương Minh Đà, giám đốc trung tâm Thể dục thể thao quận 12 cho biết, quận này hiện có trên 40 sân bóng đá mini. “Ngoài ra vừa có thêm bốn hồ sơ xin phép xây dựng sân bóng đá dạng này”.

Do lợi nhuận khá hấp dẫn, nên số lượng sân bóng đá mini ở Tp.HCM đã nở rộ trong những năm gần đây, khiến lợi nhuận đầu tư vào lĩnh vực này có xu hướng giảm và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thực tế không phải sân bóng nào xây dựng xong cũng “hốt bạc”, đặc biệt là đối với những người đi thuê đất.

Chủ sân bóng đá Phúc Thành, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Lê Minh Thiện nói do không có đất nên ông phải đi thuê 1.800m2 đất, với giá 12 triệu đồng/tháng để làm sân bóng đá. Để khai thác sân bóng lâu dài, trong hợp đồng thuê đất mỗi năm giá thuê tăng thêm 5 – 10%.

Trong khi đó, theo ông Thiện, hiện chỉ riêng phường Hiệp Bình Chánh, đã có khoảng mười sân bóng đá và nhiều người vẫn đang đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, lợi nhuận của các sân ngày càng giảm. Để kéo khách, tăng khả năng cạnh tranh, tôi đang tính đến chuyện tài trợ cho các giải thi đấu bóng đá tại địa phương và giảm giá thuê sân”, ông Thiện cho biết.

Theo ông Việt và một số chủ sân bóng đá, nếu làm sân mà không khảo sát trước nhu cầu sẽ thua chắc. “Nếu mua, thuê đất ở khu trung tâm thì vốn đầu tư về bất động sản sẽ rất lớn, lợi nhuận vì thế cũng không nhiều, thậm chí có khi lỗ”. Bởi nếu làm sân bóng phải dành ít nhất 1.000m2 cộng với một khu đất lớn để xây dựng phòng thay đồ, nhà vệ sinh, khu vực dịch vụ…

Di Lã (SGTT)