08:19 18/03/2024

Đề nghị quy định rõ các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm

Phúc Minh

Cơ quan Bảo hiểm xã hội đề nghị cần quy định rõ các trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm, cũng như bổ sung thêm các biện pháp, chế tài để xử lý hành vi này. Từ đó, để đảm bảo các chế độ bảo hiểm cho người lao động...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vụ Pháp chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.

Một trong những nguyên nhân do pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về hành vi chậm đóng, trốn đóng làm cơ sở áp dụng biện pháp xử lý, chế tài tương ứng.

Hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Đối với Luật Bảo hiểm y tế, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng bảo hiểm y tế không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng.

Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tại cả Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng, và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, và khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là trốn đóng.

Do đó, không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự. Vì vậy, cơ quan Bảo hiểm xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ có thể xác định là không đóng, hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, và đóng không đúng mức đóng theo quy định...

Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối, hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng, hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên.

Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng Bbảo hiểm xã hội là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác…

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng cần thiết nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm sửa đổi, và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Từ đó, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức.

Theo đó, cần thực hiện theo hướng quy định rõ các trường hợp chậm đóng như, quá thời hạn quy định của Luật mà người sử dụng lao động không đóng, hoặc không đóng đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đã đăng ký...

Trường hợp trốn đóng như, không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thấp hơn quy định; trường hợp chuyển hóa từ chậm đóng sang trốn đóng...Ngoài ra cũng cần bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý hành vi này.