Đề nghị thu thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng biến số xe đã qua đấu giá
Với 10 biển số, Công an Nghệ An đã thu được 2,4 tỷ đồng bổ sung vào Quỹ Vì người nghèo. Trong đó, biển số được đấu giá cao nhất là biển kiểm soát 37F9999 được bán với giá 700 triệu đồng, cao gấp 14 lần so với giá sàn được đưa ra là năm mươi triệu đồng...
Ngày 7/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết đấu giá biển số xe. Việc này sẽ đem lại công bằng trong việc đăng ký biển số xe ô tô đối với người dân. Báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo đã giải thích rõ ý kiến đại biểu qua thảo luận tại tổ. Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí cao các nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ…
Về vấn đề cụ thể liên quan tới chính sách thuế và đăng ký tài sản, đại biểu Thịnh, cho rằng biển số xe được chọn qua đấu giá là tài sản có thể có giá trị rất lớn qua đấu giá hoặc khi chuyển nhượng.
Do đó, để đảm bảo công bằng xã hội, tránh các hành vi lợi dụng trục lợi khi kê khai tài sản, kê khai lệ phí trước bạ khi đăng ký xe, kê khai thu nhập của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế cần thực hiện đăng ký tài sản là biển số xe qua đấu giá và thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là biển số xe.
"Hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 và Nghị định số 10 năm 2022 của Chính phủ về lệ phí trước bạ chưa có hai đối tượng thu nhập và tài sản này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu xem xét, bổ sung quy định này vào trong nội dung Nghị quyết và Nghị định", ông Thịnh nói.
Theo đại biểu đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), qua quan sát, nhận thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm, nhóm theo quan niệm dân gian, có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học 12121, 88899.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Sử dụng, quản lý tài sản công năm 2017, Bộ Công an đã đề xuất cho đấu giá các biển số gồm 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau, số sau lớn hơn số trước, đây là nhóm sắp xếp theo quy tắc khoa học.
“Thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe ô tô tăng lên rất nhiều; có xe 800 triệu đồng nhưng khi có được biển số 5 số 9 đã bán lại 1,7 tỷ đồng. Với quy định cho phép người trúng đấu giá được giữ lại biển số cho các xe tiếp theo của mình thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
Vì vậy, đại biểu Cảnh đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số được sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số là những số bắt buộc đấu giá. Những số này sẽ có mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng.
Đồng thời vị đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng đề xuất này có tính khả thi cao, vì theo cơ quan soạn thảo thì giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng, nếu tính theo 5% thì sẽ là 150 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, nên mức giá 200 triệu đồng là hợp lý.
Nhìn việc đấu giá biển số xe ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) đánh giá rằng giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức thấp hơn. Bởi lẽ, việc giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân quan tâm có thể tham gia vào việc đấu giá lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng nhận thấy làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước.