17:12 15/03/2024

Đề xuất 3 nội dung lớn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Vũ Khuê

Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để nâng cao vị thế của người tiêu dùng, tạo niềm tin cho cộng đồng và toàn xã hội…

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ngày 15/3, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Công Thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024.

Lễ phát động được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) phối hợp thực hiện.

Với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, Bộ Công Thương khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch để bảo đảm môi trường tiêu dùng an toàn cho người tiêu dùng, cộng đồng và toàn xã hội.

LÁ CHẮN PHÁP LÝ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Năm nay, Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2024 có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức vào thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được thông qua vào tháng 6/2023 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại lễ phát động.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại lễ phát động.

Nhắc lại lịch sử, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, nên ngay từ năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành. Ngay sau đó, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đã không ngừng được hoàn thiện, bổ sung để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào thực tiễn.  

Trong suốt gần 12 năm, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực: nhận thức về vấn đề này được nâng cao rõ rệt; hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được hình thành và không ngừng củng cố.

Song đứng trước yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế, xu hướng tiêu dùng đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang tiếp diễn ngày càng tinh vi, với nhiều hình thức mới nên ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, đồng thời bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh.

Một trong những quy định tại Luật năm 2023 có nhiều ý nghĩa đối với người tiêu dùng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là việc tiếp tục lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sắp đi vào thực tiễn sẽ là động lực mạnh mẽ, có giá trị to lớn để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Tân tin tưởng.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng Bộ phận Đối ngoại- Heineken Việt Nam, cho rằng lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp ngày càng mang tới những giải pháp có giá trị cao cho người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực đồ uống, với sứ mệnh “làm hài lòng người tiêu dùng”, bên cạnh việc đặt mục tiêu trọng tâm là sức khoẻ, tiêu dùng an toàn, Heineken còn liên tục đổi mới công nghệ, đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, các sản phẩm được kiểm tra minh bạch trước khi ra thị trường. Đồng thời, lắng nghe phản hồi của khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, hướng tới phong cách sống lành mạnh, uống có trách nhiệm, chừng mực.

Trong bối cảnh hiện nay, khi có nhận thức mới về môi trường bền vững, Heineken luôn đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, tiên phong trong triển khai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường.

SỚM BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN

Để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó cần tiếp tục đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trở thành thói quen thường xuyên, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đề xuất 3 nội dung cần thực hiện.

Đề xuất 3 nội dung lớn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh 1

Thứ nhất, Xác định rõ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không chỉ tập trung vào một cơ quan, một đơn vị. Bên cạnh công tác thực thi của các cơ quan Chính phủ, các đơn vị của Quốc hội có trách nhiệm giám sát để kịp thời phát hiện, kiến nghị và có giải pháp điều chỉnh về mặt chính sách, lập pháp để không ngừng nâng cao hiệu lực của các quy định.

Đặc biệt, trong quá trình thực thi Luật, tất cả các cơ quan, đơn vị cần chú trọng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, Phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cá nhân, tổ chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phân công.

Cần huy động tổng lực tham gia thực hiện công tác truyền thông, thông tin, bảo đảm tuyên truyền rộng, sớm và đúng các nội dung của Luật. Cần lưu ý nghiên cứu việc sử dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, ví dụ như việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền về Luật.

Để sớm đưa các quy định của Luật vào cuộc sống, ông Thi đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần bảo đảm việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết không phát sinh chồng chéo, vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, gây gánh nặng bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Thứ ba, Nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường. Xu hướng phát triển kinh tế ngày càng cho thấy rõ vai trò của người tiêu dùng đối với sự thành bại của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lại là nhóm chủ thể có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thực hiện quyền lợi của mình. Do vậy, ông Thi cho rằng các chủ thể tham gia thị trường có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.