Đề xuất 4 lĩnh vực sẽ thử nghiệm kinh tế tuần hoàn được ưu đãi hỗ trợ vốn xanh, đất đai
Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được cấp Giấy chứng nhận được tiếp cận, huy động, vay vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh, quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức, định chế tài chính…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trong đó đề xuất 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng tái tạo; Vật liệu xây dựng.
CÁC ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHÍ THAM GIA CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm nhằm tạo môi trường thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi, phát triển, vận hành thành công các dự án tham gia cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện việc làm, thu nhập cho người lao động trong quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.
Cơ chế thử nghiệm cũng giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp cận, thử nghiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, các giải pháp chuyển đổi số, công nghệ mới hiện đại, có tính đột phá, thích ứng với các xu hướng lớn trên toàn cầu, thân thiện với chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững, tích hợp linh hoạt giữa các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng trên nền tảng đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế bền vững, hạn chế tình trạng lãng phí các nguồn tài nguyên không tái tạo.
Xây dựng nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm tạo ra từ dự án kinh tế tuần hoàn, cải thiện năng suất, cơ cấu lao động ổn định, thiết lập tính chủ động, tăng khả năng chống chịu, thích ứng đối với các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, thay đổi chính sách thương mại và các quy định, hàng rào kỹ thuật ở các thị trường xuất nhập khẩu.
Kết quả triển khai Cơ chế thử nghiệm được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý chính thức.
Dự thảo quy định, các tổ chức được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi đáp ứng đồng thời các điều kiện và tiêu chí.
Thứ nhất, là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc hoạt động theo các hình thức công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành.
Thứ hai, có năng lực tài chính hoặc kế hoạch tiếp cận tài chính rõ ràng, khả thi; không có nợ xấu, vi phạm nghiêm trọng về thuế hoặc công bố thông tin theo quy định của pháp luật;
Thứ ba, có dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể hoặc đề xuất dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể thuộc các lĩnh vực quy định gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo; vật liệu xây dựng.
Cùng với các điều kiện trên, các doanh nghiệp phải đáp ứng 3 tiêu chí. Thứ nhất, Dự án có kế hoạch khả thi và có tiềm năng phát huy tác động tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó tác động về kinh tế là chủ đạo, thể hiện qua lợi nhuận của doanh nghiệp, năng suất lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động từ việc thực hiện dự án.
Thứ hai, Dự án chủ yếu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước. Thứ ba, Dự án hoàn được thiết kế trên nền tảng tiếp cận, ứng dụng và làm chủ các thành tựu của Cách mạng 4.0; trường hợp nhập khẩu và sử dụng các công nghệ tiên tiến thì phải có kế hoạch rõ ràng và khả thi về chuyển giao công nghệ, làm chủ và tiến tới phát triển công nghệ ở Việt Nam.
PHÂN LOẠI XANH VÀ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ƯU ĐÃI TRONG THỬ NGHIỆM
Dự thảo đề xuất 6 chính sách trong Cơ chế thử nghiệm gồm: Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; giới thiệu công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và đất đai.
Theo đó, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp- năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Chính sách phân loại xanh là cơ sở để cân nhắc, xác định mức độ ưu đãi. Phân loại xanh đối với dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm bao gồm: Dự án kinh tế tuần hoàn toàn phần và dự án kinh tế tuần hoàn bán phần.
Dự án kinh tế tuần hoàn toàn phần là dự án gồm chuỗi các hoạt động canh tác, nuôi trồng, khai thác, thu gom, sản xuất, chế biến, tái chế, tái tạo nối tiếp tạo lên chuỗi chu trình vận động dòng chảy vật chất liên tục cầu thành lên lưới, chuỗi giá trị hoạt động không phát thải khí nhà kính ra môi trường. Dự án kinh tế tuần hoàn toàn phần vận động dựa trên nguyên tắc sử dụng toàn bộ sản phẩm, phế phẩm, phụ phẩm, chất thải của chu trình sản xuất, chế biến ban đầu được tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu, phương tiện, công cụ đầu vào cho chu trình hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo, tái tạo kế tiếp.
Dự án kinh tế tuần hoàn bán phần (một phần) là dự án gồm chuỗi các hoạt động canh tác, nuôi trồng, khai thác, thu gom, sản xuất, chế biến, tái chế, tái tạo nối tiếp tạo lên chuỗi chu trình vận động dòng chảy vật chất liên tục, nối tiếp cấu thành lên chuỗi giá trị. Trong đó, tổng khối lượng giảm phát thải khí nhà kính của chuỗi các hoạt động canh tác, nuôi trồng, khai thác, thu gom, sản xuất, chế biến, tái chế, tái tạo nối tiếp cấu thành lên chuỗi hoạt động có tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính lớn hơn tỷ lệ phát thải khí nhà kính.
Theo dự thảo, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ kết nối với chuyên gia tư vấn công nghệ, hỗ trợ tối đa 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ.
Đối với các dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được nhận chuyển giao công nghệ được nhà nước miễn thuế nhập khẩu, chuyển giao trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án tham gia cơ chế thử nghiệm, được hưởng chế độ dự án ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho các tổ chức thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn.
Cũng theo dự thảo, dự án tham gia Cơ chế thử nghiệm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận, huy động, vay vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quỹ đầu tư phát triển địa phương, các quỹ an sinh xã hội, quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh, quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức, định chế tài chính.
Dự án tham gia Cơ chế thử nghiệm được cấp Giấy chứng nhận được phép hợp tác với các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện, được phép phát hành trái phiếu xanh theo quy định về trái phiếu, được hợp tác với quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát hành trái phiếu xanh chính quyền địa phương, được phép liên kết đối tác trong nước, quốc tế xây dựng thử nghiệm sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ cacbon tự nguyện ứng dụng công nghệ Blockchain, NFT, công nghệ chống giả gắn chip RFID.
Mỗi tỉnh, thành phố không được có quá 5 tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được phát hành trái phiếu xanh và chỉ 1 đơn vị được cho phép hợp tác liên kết với quỹ đầu tư phát triển địa phương thử nghiệm vận hành hoạt động sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ cacbon tự nguyện. Thời hạn trái phiếu xanh, thời gian vận hành thử nghiệm hoạt động sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ cacbon tự nguyện không vượt quá thời hạn dự án tham gia cơ chế thử nghiệm.
Về chính sách đất đai, tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích đối với các loại đất quy định tại Điều 218 của Luật Đất đai, gồm cả phần mái, mặt nước, hàng rào xung quanh bên trong ranh giới quy hoạch dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm. Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không vượt quá diện tích đất sử dụng vào mục đích chính.
Dự thảo nêu rõ, chính quyền địa phương ưu tiên sử dụng mặt bằng sạch có sẵn, chịu trách nhiệm giải phóng sạch mặt bằng trong trường hợp nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng khu đất tại địa phương có vị trí, địa hình, đặc điểm phù hợp với quy mô dự án kinh tế tuần hoàn được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm dự kiến để triển khai xây dựng dự án.