13:47 08/01/2025

Đề xuất 7 vấn đề đổi mới mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật

Như Nguyệt

Trong các đề xuất nêu rõ, cơ quan nào ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan đó sẽ giải thích áp dụng. Việc giải thích phải đảm bảo đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.

Thứ nhất, đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội

Bộ Tư pháp cho rằng việc xây dựng Chương trình lập pháp cần bảo đảm sự chủ động tối đa cho các cơ quan, cụ thể:

(i) bảo đảm sự chủ động của Quốc hội trong việc xây dựng Chương trình kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội chủ động được tiến độ thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Đại biểu Quốc hội được tiếp cận sớm hồ sơ, chủ động trong việc nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến;

(ii) bảo đảm sự chủ động cho Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc lập đề nghị, soạn thảo và trình dự án luật, giải tỏa vấn đề áp lực, chạy theo tiến độ như hiện nay để chú trọng vào chất lượng của dự án luật.

Dự thảo Luật quy định về Chương trình lập pháp (thay cho tên gọi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay) với tính chất là: (i) Chương trình để định hướng cho hoạt động lập pháp; (ii) Chương trình này sẽ mang tính linh hoạt cao. 

Đặc biệt, quy trình xây dựng chính sách sẽ được tách bạch ra khỏi quy trình lập Chương trình lập pháp.

Thứ hai, bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm của Chính phủ

Dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong việc ban hành nghị quyết quy phạm để thí điểm các vấn đề thộc thẩm quyền của Chính phủ; giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn; để áp dụng pháp luật trong một thời gian nhất định.

Đồng thời, quy định một số đặc thù trong xây dựng, ban hành loại văn bản này, bảo đảm nhanh gọn (nghị quyết của Chính phủ có thể có hiệu lực kể từ ngày Chính phủ thông qua). 

Thứ ba, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy

Theo đó, bố cục và thiết kế nội dung của dự thảo Luật theo hướng, Luật này chỉ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn lại, Luật chỉ quy định nguyên tắc, loại hình văn bản quy phạm pháp luật mà các chủ thể được phép ban hành và giao các cơ quan quy định chi tiết.

Thứ tư, đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, trên cơ sở chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự thảo Luật quy định đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào 02 vấn đề lớn, trọng tâm là:

(i) đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

(ii) quy định về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

Dự thảo Luật bổ sung quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể để quy định về vấn đề phân cấp như: Chính phủ ban hành nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, Bộ trưởng, Thủ trương cơ quan ngang bộ ban hành thông tư để phân cấp cho chính quyền địa phương một số vấn đề thuộc phạm vi quản lý; HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành nghị quyết, quyết định để phân cấp một số vấn đề thuộc thẩm quyền cho chính quyền địa phương cấp dưới.

Dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành và kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, lãng phí bị tác động trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật...

Thứ sáu, quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật

Theo đó, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình. 

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tính chủ động và trách nhiệm đến cùng, bảo đảm được tính liên tục trong suốt quá trình xây dựng dự án, từ đề xuất, soạn thảo, trình cho đến khâu chỉnh lý dự thảo, đồng thời, bảo đảm tốt hơn việc thi hành luật sau khi được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật.

Thứ bảy, giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, hoạt động giải thích pháp luật diễn ra không thường xuyên, cách thức giải thích còn nặng về ban hành những quy phạm bổ sung, việc giải thích pháp luật chưa thực sự hiệu quả trước một nhu cầu lớn và cấp thiết của thực tiễn, nhất là quá trình áp dụng một số luật còn gặp vướng mắc do còn cách hiểu khác nhau về cùng một quy phạm.

Do vậy, dự thảo Luật bổ sung quy định về giải thích áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, việc giải thích áp dụng được thực hiện trong trường hợp quy định của văn bản có cách hiểu khác nhau, không xác định rõ quy định để áp dụng.

Cơ quan nào ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan đó sẽ giải thích áp dụng. Việc giải thích phải đảm bảo đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới.