“Đề xuất bỏ kỷ luật giáng chức sẽ không giảm sự nghiêm minh của pháp luật”
Có trường hợp, đáng lẽ phải sử dụng biện pháp mạnh là cách chức thì giảm nhẹ, chỉ giáng chức, nên Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức kỷ luật này
Lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định, việc bỏ một hình thức là giáng chức không làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật. Bởi ngoài "giáng chức", còn bốn hình thức kỷ luật khác là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Thông tin này được ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ của Bộ Nội vụ chiều ngày 9/5.
Nếu cần thiết thì cách chức chứ không chỉ giáng chức!
Giải đáp vấn đề thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho biết, các quy định pháp luật đã giao thẩm quyền cho các Bộ, ngành lựa chọn hai hình thức thi hoặc xét.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng sẽ nghiên cứu và bổ sung hình thức xét nâng ngạch công chức.
"Qua kinh nghiệm phân cấp thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức cho các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, đã tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng có nơi thực hiện tốt nhưng cũng có nơi cần được hướng dẫn cụ thể hơn và cần giám sát chặt hơn", ông Long nói.
Đặc biệt, liên quan đến đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, một số ý kiến lo ngại sẽ làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật không.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tư Long khẳng định, việc bỏ một hình thức không làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật. Bởi ngoài giáng chức còn bốn hình thức kỷ luật khác là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và các mức này tương thích với bốn hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng.
"Thời gian qua, có nơi còn duy tình trong thực thi quy định, đáng lẽ phải sử dụng biện pháp mạnh là cách chức thì giảm nhẹ, chỉ giáng chức. Vì vậy, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bỏ hình thức kỷ luật này. Nếu cần một hình thức kỷ luật nghiêm khắc hơn cảnh cáo thì lãnh đạo, quản lý sẽ bị cách chức", ông Long nhấn mạnh.
Mặt khác, cũng theo ông Long, việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức cũng sẽ làm nảy sinh xung đột với yêu cầu về vị trí việc làm.
Ông lấy ví dụ, vị trí việc làm xác định rõ đơn vị có một cấp trưởng, 3 cấp phó, nếu giáng chức cấp trưởng thì không còn vị trí việc làm để bổ nhiệm vì đã đủ 3 cấp phó.
Chính sách cán bộ trẻ của Việt Nam không thua kém nước nào
Tại buổi họp báo, ông Long cũng thông tin thêm về một số trường hợp cán bộ trẻ bị kỷ luật gần đây liên quan đến chính sách thu hút nhân tài.
Theo đó, ông Nguyễn Tư Long cho biết, việc thu hút cán bộ trẻ có trình độ cao thời đại nào cũng cần thiết, tuy nhiên, giải pháp đặt ra là thắt chặt và làm nghiêm túc hơn đầu vào, phải tuyển dụng đúng người có năng lực, trình độ cao, có mong muốn cống hiến cho Nhà nước và trong quá trình quản lý cần có sự giáo dục, định hướng của cơ quan để thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và không vi phạm pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng cho biết, hiện nay các chính sách đối với cán bộ trẻ được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Ít có nước nào quy định 15% cán bộ trẻ tham gia cấp ủy.
Từ đó, ông Nguyễn Trọng Thừa đánh giá, các chính sách về cán bộ trẻ của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào, thậm chí có những chính sách vượt trội.
Tuy nhiên, sau việc gần đây nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu giải pháp cần thiết, trong đó đầu tiên thắt chặt việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, kiểm soát tốt hơn đầu vào.