Đề xuất dành hơn 8.000 tỷ đồng mở rộng đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình
Chưa hết hạn thu phí BOT giai đoạn 1, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được đề xuất đầu tư mở rộng nền đường lên tới 80-110 m với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng...
UBND tỉnh Hòa Bình vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội về việc đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Tổng mức đầu tư dự án mở rộng dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 3.888 tỷ đồng.
Thời gian thu hồi vốn của dự án dự kiến 24 năm, thời gian thực hiện đầu tư xây dựng từ năm 2022 - 2027.
Theo đề xuất của tỉnh Hòa Bình, tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc 6 làn xe, có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường gom và đường sắt liên vùng. Tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện 80-110 m với tổng mức đầu tư dự án mở rộng dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị giải phóng mặt bằng một lần đảm bảo quy mô hoàn thiện của dự án.
Diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 303 ha, không bao gồm diện tích đã triển khai giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, trong đó trên địa phận Hà Nội khoảng 90 ha, địa phận Hòa Bình khoảng 213 ha.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 10/10/2018 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 2.989 tỷ đồng. Dự án do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư. Thời gian thu phí hoàn vốn với thời gian 27 năm 6 tháng 9 ngày.
Dự án có điểm đầu tại nút giao Hòa Lạc, giữa đại lộ Thăng Long và quốc lộ 21 và điểm cuối tại Km 32+367, xã Trung Minh, TP Hòa Bình.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 25,7 km, đi qua địa phận Hà Nội dài 6,37 km và địa phận tỉnh Hòa Bình dài 16,67 km. Quy mô đường cấp III - đồng bằng, với 2 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường 12 m, chiều rộng mặt đường 11 m. Vận tốc tối đa 80 km/giờ.
Tuy nhiên, có nhiều lo ngại vì dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình vẫn chưa thu phí hoàn vốn xong, phải xử lý được bài toán lợi ích giữa nhà đầu tư đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện hữu và nhà đầu tư dự án PPP mở rộng tuyến đường này, dẫn tới tình trạng BOT "chồng" BOT.
Liên quan đến cơ chế mua lại dự án BOT hiện hữu, tháng 11/2021 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với nhà đầu tư và các bên có liên quan, căn cứ các quy định tại hợp đồng dự án giai đoạn 1 và quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, có cơ chế xử lý hợp đồng BOT đang thực hiện, tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả đầu tư và hài hoà lợi ích các bên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm từng bước đồng bộ hệ thống tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, kết nối Thủ đô với các tỉnh Tây Bắc. Theo UBND tỉnh, số lượng phương tiện từ các tỉnh Tây Bắc qua Hòa Bình đi Hà Nội và ngược lại trên tuyến Quốc lộ 6 và đường Hòa Lạc - Hòa Bình tăng cao qua từng năm. Dự báo tổng lưu lượng xe trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đến năm 2025 đạt 12.818 xe/ngày đêm, đến năm 2030 đạt 19.510 xe/ngày đêm, đến năm 2050 đạt 53.118 xe/ngày đêm.